OCOP – "Tìm tên" cho đặc sản Định Hóa

07:05, 16/12/2021

Sau 2 năm triển khai Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện miền núi Định Hóa đã đạt được một số kết quả nhất định, với 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, Định Hóa đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để Chương trình OCOP thực sự đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. 

Mỳ gạo bao thai của Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng là sản phẩm đầu tiên của huyện Định Hóa được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, vào năm 2020. Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, HTX thường xuyên được cán bộ nông nghiệp huyện hỗ trợ, tư vấn lựa chọn sản phẩm và hướng dẫn chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu minh chứng nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc...

Chị Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX chia sẻ: Sau khi nhận được chứng nhận OCOP, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, qua đó thị trường tiêu thụ cũng mở rộng hơn so với thời gian trước. Hiện nay, mỗi tháng, HTX bán ra thị trường khoảng 3-5 tấn mỳ gạo, doanh thu cả năm đạt khoảng 1 tỷ đồng. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để triển khai Chương trình OCOP, trên cơ sở từng sản phẩm thế mạnh của địa phương và đăng ký của các xã, thị trấn, từ đầu năm đến nay, UBND huyện Định Hóa đã triển khai hỗ trợ cho 12 sản phẩm đặc trưng của địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Theo đó, UBND huyện đã phân công các cơ quan chuyên môn đưa ra lộ trình hoàn thiện sản phẩm, lên phương án hỗ trợ các đơn vị, chủ thể sản xuất trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến thẩm định sản phẩm.

Đơn cử như tại HTX chè Phú Đạt (xã Sơn Phú), các ngành chức năng của tỉnh và huyện đã hỗ trợ các hộ thành viên mua 20 bộ máy vò chè, thiết kế bao bì, nhãn mác, túi đựng, tem truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP... Đồng thời, các đơn vị cũng tổ chức tập huấn cho các thành viên HTX về hoàn thiện quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh Long Vân trà của HTX có giá bán từ 350–400 nghìn đồng/kg, cao hơn gần 2 lần so với các sản phẩm chè khác ở địa phương.

Đóng gói mỳ gạo bao thai Định Hóa (sản phẩm đầu tiên của huyện Định Hóa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh) tại HTX Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng.

Cùng với Long Vân trà, sản phẩm Tâm Như trà nõn của HTX nông sản Phú Đạt cũng đã được UBND tỉnh công nhận là đạt OCOP 3 sao. Ông Hoàng Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết: Là địa phương có lợi thế về sản xuất chè, với nhiều đặc sản đang dần có thương hiệu, tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của huyện và các đơn vị liên quan để hoàn thiện các yêu cầu về quy trình kĩ thuật sản xuất, chế biến chè, quy trình đóng gói sản phẩm, hỗ trợ HTX xây dựng nhà xưởng khang trang, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Với những kinh nghiệm từ việc xây dựng 2 sản phẩm Tâm Như trà nõn và Long vân trà, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm đặc trưng khác của địa phương trở thành sản phẩm OCOP.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy, số lượng sản phẩm OCOP của huyện Định Hóa còn khiêm tốn, nhất là khi so sánh với các địa phương khác trong tỉnh. Nguyên nhân được cho là do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu với quy mô hộ gia đình. Một số sản phẩm đặc trưng gặp khó khăn về công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ hoặc có sự trùng lặp trên thị trường. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, những doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19.

Mặt khác, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP còn yếu, người dân thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một bộ phận chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan chức năng, chưa chủ động trong việc tự phát triển sản phẩm, còn có đơn vị vẫn trông chờ sự hỗ trợ từ cơ chế của Nhà nước, chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng sản phẩm OCOP.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho hay: Hiện nay, cùng với hoạt động hỗ trợ cho các HTX, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP chuẩn hóa theo chu trình 6 bước, huyện Định Hóa cũng đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trong việc chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thủ công sang quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất và chú trọng khâu chăm sóc, đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, huyện cũng rất cần sự hưởng ứng tích cực từ người dân để việc phát triển sản phẩm OCOP thực sự tạo ra giá trị, lợi ích bền vững.

Ngoài các sản phẩm hiện có là chè và mỳ gạo, huyện Định Hóa còn một số sản phẩm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng, có thể kể đến như: Tinh dầu quế, đũa cọ, nấm linh chi... Dự kiến năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Và các sản phẩm kể trên được xác định là định hướng chính của huyện trong việc tập trung đầu tư, hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP, để ngày càng có nhiều sản phẩm của quê hương ATK Định Hóa được “đặt tên” trên bản đồ đặc sản Việt.