Sản xuất công nghiệp: Bắt nhịp ngay từ đầu năm

07:30, 18/01/2022

Trong suốt 2 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên cũng như cả nước gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, với nhiều nỗ lực, năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 7,7%, vượt kế hoạch đề ra. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là kết quả cao so với bình quân chung của cả nước và sẽ tạo đà để ngành Công nghiệp của Thái Nguyên vững bước trong năm 2022. 

Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2020, bằng 100,38% kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND tỉnh, Thái Nguyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 9%.

Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 16/2021/QH15, Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, thích ứng với cơ chế thị trường tiếp tục được tỉnh quyết tâm thực hiện trong năm 2022. Cùng với đó, UBND tỉnh phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.

Trong các phiên họp mới đây của UBND tỉnh, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Để sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo phát triển nhanh, bền vững, các ngành chức năng và UBND các huyện, thành, thị cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp ở khu vực phía Nam của tỉnh. Cùng với đó, ưu tiên các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích DN đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, liên kết với hợp tác xã, hộ gia đình, gắn với vùng nguyên liệu và các dự án sử dụng nhiều lao động ở khu vực nông thôn.

Trong những ngày cao điểm đầu năm, Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) khai thác được 1.300 tấn quặng/ngày. Ảnh: V.H

Theo đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, nhà ở; tăng cường các giải pháp quản lý Nhà nước về đô thị hóa; phát triển các dịch vụ công trong lĩnh vực đô thị…

Đối với các đơn vị, DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có tinh thần bắt nhịp ngay từ những ngày đầu năm 2022, bố trí nhân lực sản xuất cả trong ngày nghỉ lễ. Riêng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - một trong những DN lớn nhất trong lĩnh vực khai khoáng, luyện kim của tỉnh - đơn vị đã đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu tiên của năm. Ông Nguyễn Minh Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2021 là năm thắng lợi của đơn vị cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận; thu nhập của người lao động trong toàn Công ty đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Đây là tiền đề rất quan trọng để chúng tôi đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngay từ quý I năm nay…

Các DN hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất khác trên địa bàn tỉnh (xi măng, gạch xây dựng, thức ăn chăn nuôi, giấy…) cũng tranh thủ thời điểm an toàn với dịch COVID-19 để ổn định và phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tại các DN: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Xi măng La Hiên, Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn, Công ty CP Xi măng Cao Ngạn, Công ty CP Vật liệu chịu lửa, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ…, người lao động luôn trong tâm thế hăng say lao động sản xuất. Đặc biệt, các DN FDI trên địa bàn tỉnh đã và đang sản xuất ổn định, một số DN có kế hoạch sản xuất xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 để kịp cung ứng sản phẩm theo các đơn hàng đã ký kết với đối tác.

Hiện nay, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chủ động ổn định nguyên liệu đầu vào, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tập trung nhân lực nâng cao khả năng sản xuất để hoàn thành tốt kế hoạch tháng 1 và cả năm 2022.