“Chìa khóa” thúc đẩy nông nghiệp phát triển

08:00, 18/12/2021

Xác định khoa học kỹ thuật là một trong những yếu tố then chốt trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được huyện Phú Lương quan tâm thực hiện. Từ đó, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các loại nông sản, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trên địa bàn được UBND huyện Phú Lương giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu chính và trực tiếp thực hiện. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật, trong đó, nổi bật là công tác phối hợp thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật giống lúa mới.

Để thực hiện hiệu quả mô hình này, Trung tâm đã liên kết với một số công ty sản xuất giống uy tín, như: Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam; Công ty TNHH Mahico Việt Nam… để đưa một số giống lúa mới về gieo trồng thí điểm tại địa phương. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật... Nếu mô hình đem lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, các giống lúa sẽ được trình cấp có thẩm quyền xem xét và đưa vào cơ cấu giống của tỉnh và huyện.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Phú Lương đã phối hợp triển khai 6 mô hình khảo nghiệm giống lúa mới với tổng diện tích gần 9,4ha. Trong đó, một số giống lúa đem lại hiệu quả cao và đã được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh như: VNR10, VNR20, MHC2. Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng giao cho cán bộ cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai công tác tập huấn khoa học kỹ thuật tùy theo đặc điểm sản xuất nông nghiệp của từng xã, thị trấn; tư vấn cho nông dân phát triển sản xuất... Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 149 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi.  

Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật còn được Phú Lương đẩy mạnh thông qua việc chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường xây dựng, triển khai các mô hình, chương trình hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản  theo hướng hữu cơ, an toàn.

Từ năm 2016 đến nay, huyện tổ chức thực hiện được trên 80 mô hình, chương trình sản xuất nông nghiệp. Riêng năm 2021, có một số mô hình nổi bật được thực hiện, như: Mô hình trồng lúa nếp Vải theo hướng hữu cơ với quy mô 19,5ha tại tổ dân phố Lân 1 và Lân 2 (thị trấn Đu); sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại các xã Tức Tranh, Vô Tranh với quy mô 20ha; 2 mô hình nuôi bò 3B và đà điểu tại các xã Động Đạt, Phú Đô; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên đồng ruộng vụ mùa với quy mô trên 140ha…

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương hướng dẫn nông dân xã Ôn Lương sử dụng chế phẩm sinh học EMUNIV để xử lý rạ tại ruộng sau khi thu hoạch

Thông qua các mô hình đã giúp bà con nông dân nâng cao trình độ sản xuất, thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường. Ông Hà Văn Nam, một nông dân ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng rừng, trồng chè. Nhưng do đất đai cằn cỗi nên cây trồng sinh trưởng không được tốt như ở các vùng khác, giá trị kinh tế không cao. Năm 2020, được sự vận động và hỗ trợ của chính quyền, gia đình tôi đã mạnh dạn mua 15 con đà điểu giống về nuôi. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm, tôi đã dần tiếp cận các kiến thức về chăn nuôi đà điểu. Sau 8 tháng, lứa đầu tiên được xuất với giá đạt 80 nghìn đồng/kg, trung bình 1 con nặng từ 80 đến 90kg. Tôi đang xem xét mở rộng chuồng nuôi để tăng đàn trong thời gian tới.

Còn bà La Thị Công, ở xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương, chia sẻ: Trước đây, sau khi gặt lúa xuân, tôi thường đốt rơm rạ trên ruộng để nhanh chóng chuyển sang gieo cấy lúa mùa. Tuy nhiên, với phương pháp này, gốc rơm rạ lâu phân hủy khiến cây lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ. Năm nay, sau khi tham gia mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EMUNIV để xử lý rơm rạ vào thời điểm bừa ngả, tôi nhận thấy gốc rạ cũ phân hủy nhanh (chỉ sau 5-7 ngày), đất tơi xốp hơn, sâu bệnh gây hại được giảm thiểu. Nhờ vậy, lúa nếp Vải gieo cấy trong vụ mùa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, năng suất đạt gần 1,8 tạ/sào (tăng 50kg/sào so với cùng kỳ năm trước)…

Với những kết quả đạt được trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, bà Lê Thị Thúy Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho hay: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện của địa phương, gắn với liên kết thị trường tiêu thụ; đề nghị huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí nhân rộng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.