Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động Thái Nguyên dần ổn định trở lại và có dấu hiệu khởi sắc. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã hoạt động bình thường; tỷ lệ người lao động trở lại làm việc đạt cao, lần lượt là 98% trong các khu công nghiệp và 99,8% ở ngoài khu công nghiệp. Hiện nay, nhiều DN thông báo tuyển dụng thêm nhân công, với tổng nhu cầu tuyển dụng trên 10.500 lao động.
Ông Bùi Tiến Đạt, Trưởng phòng Thông tin thị trường (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh) cho biết: Ngay trong tháng 2-2022 (tháng Tết), Trung tâm nhận được hàng chục hồ sơ của các DN đăng ký tuyển dụng lao động. Ngay trong tháng này, Trung tâm cũng đã tổ chức tư vấn, giải đáp chính sách pháp luật lao động, việc làm, đào tạo nghề, bảo hiểm thất nghiệp, xuất khẩu lao động… cho hàng trăm lượt người. Hiện nay, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn là: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty TNHH Glonics, Công ty TNHH Hansol Electronics, Công ty TNHH Sunny, Công ty TNHH DBG, Công ty TNHH SR tech, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG…
Không “tưng bừng náo nhiệt” như các năm trước đây, nhưng thị trường lao động vẫn giữ được “nhiệt” thông qua chia sẻ trên mạng xã hội. Đặc biệt sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều DN lâm vào cảnh khó khăn đang mong tìm cơ hội vực dậy; hàng chục nghìn lao động giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp đang mong chờ có việc làm. Trong bối cảnh xã hội từng bước thích nghi với tình hình mới, cũng là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận giữa DN và người lao động. Cũng vì thế, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trở thành một nhịp cầu nối quan trọng, kết nối thỏa nguyện cho người sử dụng lao động và người lao động.
Minh chứng là trong năm 2021, đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng sàn giao dịch việc làm của tỉnh cơ bản đáp ứng vai trò kết nối cung - cầu lao động. Ngoài các giao dịch việc làm trực tiếp, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã nỗ lực nâng cao chất lượng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động; tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các hình thức kết nối việc làm gián tiếp thông qua các ứng dụng công nghệ. Trung tâm đã tổ chức thành công Ngày hội việc làm tỉnh và Ngày hội việc làm ở huyện Võ Nhai; tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm lưu động cấp xã, 26 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 10 phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Theo đó, có 530 lượt DN trong và ngoài tỉnh được hỗ trợ; hơn 4.000 lao động được kết nối, tìm hiểu thông tin, sơ tuyển và tuyển dụng vào làm việc tại các DN. Cũng trong năm 2021, Trung tâm tư vấn miễn phí về việc làm và nghề học cho hơn 22.000 lượt người; hơn 3.500 lao động được giới thiệu, kết nối việc làm.
Người lao động tham gia phỏng vấn trực tuyến thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm việc làm tại các doanh nghiệp. Ảnh: N.C
Thời gian qua, nhiều lao động trong, ngoài tỉnh chọn “đầu quân” vào DN Thái Nguyên còn bởi những chế độ chính sách về tiền lương, thưởng được thực hiện nghiêm túc. Nhiều chế độ ưu đãi khác dành cho người lao động cũng được DN trên địa bàn tỉnh áp dụng để nhằm thu hút, giữ chân lao động. Được biết, trong năm 2021, các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhanh chóng triển khai thực hiện hỗ trợ cho hơn 212.000 lượt người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Về phía các DN, nhiều đơn vị thực hiện một số chính sách ưu đãi dành cho người lao động, như hỗ trợ cho người lao động về nhà ở, chi trả chế độ tiền lương, thưởng rõ ràng hay thiết thực như việc thưởng tiền Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2022.
Với hơn 4.700 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, “họ” sẽ cần một lực lượng lao động lớn để duy trì sự ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh. Theo đó các DN phải thường xuyên tuyển dụng mới trên 10.000 người lao động để bù đắp vị trí nhân công thiếu hụt. Cụ thể trong những tháng đầu năm 2022, các DN trên địa bàn tỉnh kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với nhu cầu cần tuyển dụng 4.500 thợ lắp ráp thiết bị điện và điện tử; 1.500 thợ may mặc và các thợ có liên quan; 520 thợ thủ công dệt vải, da và các nguyên liệu có liên quan; 500 nhân viên môi giới bất động sản và quản lý tài sản bất động sản. Các nghề như: Kế toán; thợ thủ công sản xuất đồ gỗ; thợ lắp đặt và sửa chữa thiết bị điện; thợ chế biến thực phẩm; thợ vận hành máy sản xuất sản phẩm từ giấy và thùng carton; thợ vận hành máy sản xuất nguyên liệu dệt, da lông thú và da thuộc… có nhu cầu cần tuyển từ hơn 100 đến dưới 400 người lao động.
Với vai trò cầu nối trong thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho DN và người lao động. Cụ thể, với DN, Trung tâm cung cấp nhu cầu tuyển dụng của đơn vị đến đông đảo người lao động; kết nối cho DN phỏng vấn, trao đổi, thỏa thuận với người lao động qua hình thức trực tuyến; hỗ trợ địa điểm, trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho công tác tư vấn, phỏng vấn, tuyển dụng của DN tại các phiên giao dịch việc làm; cung cấp cơ sở dữ liệu về người lao động có nhu cầu tìm việc đến các đơn vị, DN có nhu cầu tuyển dụng...
Còn với người lao động, Trung tâm tăng cường công tác cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; hỗ trợ người lao động hoàn thiện hồ sơ, khám sức khỏe, test COVID-19 và hướng dẫn, đưa đón người lao động đến nơi làm việc...
Theo dự báo của Trung tâm, xu hướng tuyển dụng lao động năm nay sẽ thuộc về các nhóm ngành nghề như kinh doanh thương mại, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bất động sản, kỹ thuật điện, điện lạnh, điện công nghiệp, điện tử, may mặc… Các công ty có nhu cầu tuyển dụng ưu tiên tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với đại dịch COVID-19.