Khi máy về vùng cao

09:57, 05/03/2022

Những năm gần đây, cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng được các cấp chính quyền và bà con nông dân huyện vùng cao Võ Nhai chú trọng thực hiện. Từ đó góp phần bảo đảm khung thời vụ, nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Hướng, 26 tuổi, dân tộc Tày, ở xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) đã sử dụng máy cày bừa đa năng canh tác trên diện tích hơn 5 sào ruộng của gia đình, thay vì dùng sức người hoặc gia súc như trước. Anh Hướng cho hay, việc sử dụng máy không khó, trong khi lại giải phóng được rất nhiều sức lao động, đồng thời rút ngắn thời gian canh tác trên cùng một đơn vị diện tích.

Là xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Võ Nhai, Sảng Mộc chỉ có vỏn vẹn gần 300ha diện tích gieo cấy cây lương thực mỗi năm. Tuy nhiên, cả xã hiện có trên 1,6 nghìn máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp, như: Máy cày, máy kéo, máy thu hoạch nông sản, xe vận chuyển nông sản… Ông Triệu Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Người dân Sảng Mộc hầu như đã thực hiện cơ giới hóa hoàn toàn trong quy trình canh tác đặc biệt là khâu làm đất, chăm sóc và chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Tương tự Sảng Mộc, trung bình mỗi năm, người dân xã Phương Giao gieo cấy khoảng trên 700ha diện tích cây lương thực. Toàn xã cũng có tới gần 2 nghìn máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp. Ông Hoàng Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Phương Giao, cho biết: Hiện nay, cơ bản người dân trong xã đều sử dụng máy móc trong một hoặc nhiều khâu của quy trình sản xuất nông nghiệp. Kết quả này có được nhờ công tác tuyên truyền của các cấp, ngành và đặc biệt là các chương trình hỗ trợ người dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm sản của Nhà nước. Trung bình, mỗi năm có từ 50-80 hộ dân trong xã được hưởng lợi từ chính sách này.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, toàn huyện hiện có trên 33,5 nghìn máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất, trong đó có trên 6 nghìn máy cày bừa, gần 400 máy kéo, trên 760 máy thu hoạch nông sản… So với năm 2010, lượng máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện đã tăng hơn 3,3 lần. Tỷ lệ máy máy móc phục vụ sản xuất trên diện tích canh tác nông nghiệp được phân bổ khá đồng đều giữa các địa phương và tập trung nhiều hơn ở những xã có diện tích canh tác lớn như: Bình Long, Tràng Xá, Dân Tiến, La Hiên…

Từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Hướng, người dân tộc Tày xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc sử dụng máy cày bừa đa năng thay cho sức người hoặc gia súc.

Để có được kết quả trên, bên cạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về hiệu quả cơ giới hóa sản xuất, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân mua máy móc nông, lâm nghiệp. Cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm đầu tư, từ các nguồn vốn lồng ghép như: Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, Chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp...

Theo thống kê, riêng từ Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, những năm gần đây, toàn huyện đã hỗ trợ trên 1,3 nghìn hộ mua máy móc, nông cụ sản xuất. Qua đó, lượng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tăng lên rõ rệt, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cho người dân.

Bên cạnh đó, số lượng máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất trên địa bàn tăng cũng kéo theo tỷ lệ cơ giới hóa trong toàn huyện Võ Nhai đạt khá cao. Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và PTNT, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lương thực của huyện hiện đạt tới trên 90% trong khâu làm đất. Đối với cơ giới hóa khâu thu hoạch chủ yếu tập trung vào cây lúa với tỷ lệ cơ giới hóa đạt tới hơn 70%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai thông tin: Trung bình mỗi năm, Võ Nhai gieo cấy trên 9 nghìn ha diện tích lương thực cho cả vụ xuân và vụ mùa. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân, tăng sức cạnh tranh đối với sản phẩm, từng bước khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đây cũng là hướng đi giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.