Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Nhắc đến xã Úc Kỳ (Phú Bình), nhiều người thường nhớ ngay đến loại tương thơm ngon được làm từ gạo nếp Thầu Dầu với đặc trưng vị đậm, có hàm lượng dinh dưỡng cao, chất lượng thơm dẻo hơn so với các loại gạo nếp khác. Đây chính là 2 loại đặc sản của địa phương được bà con nông dân gìn giữ, phát huy hàng chục năm qua.
Đặc biệt kể từ năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Lúa nếp Thầu Dầu” và giữa năm 2021 cấp Giấy chứng nhận đăng ký NHTT “Tương Úc Kỳ đậm đà vị quê hương” thì 2 đặc sản này càng nức tiếng hơn.
Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện (được UBND huyện Phú Bình giao làm chủ thể quản lý và sử dụng 2 NHTT này) cho biết: Nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích kinh tế của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện về sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sản phẩm sản xuất tại địa phương, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, truyền thống, mang tính đặc sản, những năm qua, các sở ngành, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn huyện hoàn tất hồ sơ, các thủ tục đăng ký về SHTT, NHTT. Đến nay, huyện đã có 3 nông sản được cấp chứng nhận NHTT (gà đồi Phú Bình, Lúa nếp Thầu Dầu và tương Úc Kỳ). Ngay sau khi được cấp NHTT, UBND huyện đã thành lập Ban Quản lý sử dụng NHTT; xây dựng quy chế quản lý và kế hoạch hoạt động…
Tính riêng với NHTT Lúa nếp Thầu Dầu, từ năm 2013-2020, Hội Nông dân huyện đã tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy chứng nhận sử dụng NHTT này cho 28 cá nhân, tập thể.
Qua hơn 10 năm quản lý và phát triển NHTT, huyện đã triển khai nhiều chương trình tập huấn về kỹ thuật phục tráng giống lúa nếp Thầu Dầu, quy trình sản xuất theo phương pháp SRI; kỹ năng kinh doanh các sản phẩm lúa gạo; hỗ trợ máy hút chân không phục vụ đóng gói sản phẩm; hỗ trợ vốn vay cho các hộ sản xuất phát triển nghề làm tương truyền thống; cấp 1.800 túi in lô gô NHTT, gần 10.200 chiếc tem và bao bì cho các hộ dân đăng ký sử dụng NHTT… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng lúa nếp Thầu Dầu và tăng diện tích gieo cấy từ 60 ha (năm 2012) lên 125ha (năm 2021); sản lượng nếp Thầu Dầu toàn huyện đạt 472 tấn…
Còn đối với NHTT “Tương Úc Kỳ đậm đà vị quê hương”, từ cuối năm 2021 đến nay, Huyện hội cũng đã cấp miễn phí 10.000 chiếc tem NHTT cho 10 hộ được sử dụng tại xã Úc Kỳ; triển khai tập huấn kiến thức về Luật SHTT cho bà con nông dân…
Anh Dương Văn Duy ở xóm Ngoài phấn khởi chia sẻ: Việc được cấp NHTT là khẳng định thương hiệu riêng, danh tiếng độc quyền cho sản phẩm gạo và tương của địa phương, không nơi nào được lạm dụng, giả mạo. Từ khi đăng ký sử dụng NHTT, sản phẩm của gia đình tôi xuất bán đến các cửa hàng, siêu thị đều thuận lợi hơn, giá bán cao hơn khoảng 5-7 nghìn đồng/kg so với sản phẩm thông thường. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên trong HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hồng Kỳ, hiện tôi cũng đã làm hồ sơ đăng ký sử dụng NHTT cho 22 thành viên trong HTX…
Người dân xã Úc Kỳ (Phú Bình) sản xuất tương nếp.
Chúng tôi được biết, cùng với huyện Phú Bình, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất và hỗ trợ đăng ký NHTT; xây dựng dự án nghiên cứu khoa học, đăng ký bảo hộ SHTT; các chương trình khuyến công; xúc tiến thương mại, chương trình mỗi xã một sản phẩm… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về SHTT, tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 24 sản phẩm đặc sản của địa phương được bảo hộ quyền SHTT, gồm: Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, Chè Thái Nguyên và một số NHTT chè ở các địa phương, gạo bao thai Định Hóa, hoa đào Cam Giá, Bánh chưng Bờ Đậu, nếp vải Phú Lương, nhãn Phúc Thuận, miến Việt Cường, ổi Linh Nham, na La Hiên, bưởi Tân Quang...
Đặc biệt, NHTT “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ thành công tại nhiều quốc gia như: Mỹ (năm 2016); Trung Quốc và Đài Loan (năm 2017), Nga (năm 2020), Nhật Bản và Hàn Quốc (năm 2021)…
Việc nhiều nông sản được bảo hộ quyền SHTT cũng đã tạo tiền đề để các địa phương, đơn vị xây dựng thành công sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn. Năm 2021, tỉnh có 6 sản phẩm chè của 6 công ty, HTX được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Đến nay có 129 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, (trong đó có 54 sản phẩm 3 sao, 73 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia.
Có thể thấy, việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm đặc trưng của các địa phương nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng tầm giá trị hàng hóa của tỉnh. Qua đó thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Để phát huy tốt giá trị của thương hiệu sản phẩm trong thời gian tới, theo đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thì bên cạnh sự hỗ trợ xây dựng, bảo hộ, quản lý của cơ quan nhà nước, các chủ sở hữu, thành viên được sử dụng và khai thác NHTT cần tiếp tục đổi mới tư duy, chủ động khai thác và sử dụng nhãn hiệu một cách có hiệu quả; có ý thức gắn lợi ích cá nhân với lợi ích chung để cùng phát triển.