Thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng tại các xã, phường giai đoạn 2021-2025, TP. Sông Công đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng trên cơ sở Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Thông qua đó, nhiều địa phương đã huy động được các nguồn lực xã hội chung tay xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng, góp phần khơi dậy sức dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tự hào với hệ thống cơ sở vật chất (trụ sở, khuôn viên, phòng làm việc của UBND xã và các thiết chế phục vụ hoạt động hành chính công được đầu tư khang trang), ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) cho biết: Địa phương sẽ được nâng cấp trở thành phường vào năm 2025, do vậy, thành phố đã áp dụng cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với các công trình giao thông. Đó là Nhà nước hỗ trợ 70%, Nhân dân đối ứng 30%.
Sau khi chủ trương này được triển khai tới các xóm, phong trào làm đường giao thông trên địa bàn lan tỏa mạnh mẽ, nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, xã Bá Xuyên đã thực hiện bê tông hóa 16 công trình giao thông liên xóm, kết nối liên xã, phường với chiều dài 7,6km, tổng kinh phí đầu tư trên 11 tỷ đồng. Sau khi các tuyến đường hoàn thành, nhân dân trong xã đã chung tay lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng và trồng hoa, cây cảnh 2 bên đường để môi trường thêm xanh, sạch, đẹp.
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, thông tin: Những năm gần đây, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương rất lớn. Do vậy, cùng với chính sách phân cấp quyết định đầu tư của tỉnh, các xã, phường trên địa bàn đã triển khai phê duyệt và thực hiện đầu tư một số công trình, nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Trên cơ sở này, thành phố đã chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phân bổ các nguồn lực theo hình thức đầu tư công và đối ứng theo Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐND của HĐND TP. Sông Công về cơ chế hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2021-2025.
Nhà văn hóa tổ dân phố 2B, phường Phố Cò (TP. Sông Công) được đầu tư xây mới với kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng, còn lại do nhân dân ủng hộ và từ nguồn xã hội hóa.
Cụ thể, công trình đường giao thông thực hiện cơ chế Nhà nước hỗ trợ 60%, Nhân dân đối ứng 40% đối với cấp xã và cấp phường là Nhà nước hỗ trợ 40%, còn lại là huy động nguồn lực của nhân dân đóng góp; công trình kênh mương áp dụng tỷ lệ huy động vốn đầu tư là 70% từ ngân sách Nhà nước, 30% là huy động từ nhân dân; đối với xã, phường tỷ lệ huy động nguồn lực đầu tư này được áp dụng theo là 50-50; công trình nhà văn hóa xây mới hỗ trợ 120 triệu đồng/xóm, 70 triệu đồng/tổ dân phố và sửa chữa là 50% kinh phí đối với xóm và 40% kinh phí đối với tổ dân phố.
Từ những định suất đầu tư được thành phố xác định phù hợp với đặc thù từng khu vực dân cư, địa phương và đời sống nhân dân, các xã, phường đã cử đại diện trực tiếp tham gia giám sát, đánh giá và rà soát hệ thống cơ sở hạ tầng tại địa phương để xây dựng các định mức kinh tế, kỹ thuật phù hợp với từng hạng mục đầu tư. Từ đó, đăng ký nhu cầu và huy động mọi nguồn lực, xây dựng kế hoạch thực hiện. Cũng từ đây, phong trào thi đua Chung sức xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng tích cực. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa. Nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước sự vui mừng, phấn khởi của nhân dân.
Từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã xây dựng 108 công trình hạ tầng, trong đó 85 công trình đường bê tông, 13 công trình kênh, mương và 10 công trình nhà văn hóa. Tổng kinh phí đầu tư trên 35,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 22 tỷ đồng, còn lại do Nhân dân đóng góp. Các công trình được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Trong quá trình đầu tư xây dựng, hoàn thiện, nghiệm thu, quyết toán các công trình đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các xã, phường với cơ quan chuyên môn, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Đặc biệt, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã, phường hoạt động tích cực và hiệu quả, đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ giám sát các công trình trên địa bàn, bảo đảm tính minh bạch và đúng chất lượng. Từ đó, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả các công trình đầu tư xây dựng.
Ông Đào Thái Dũng, Tổ phó tổ dân phố 2B, phường Phố Cò, cho hay: Trong tổng kinh phí xây dựng nhà văn hóa trên 1,6 tỷ đồng, ngoài số tiền 70 triệu đồng ngân sách Nhà nước hỗ trợ, số còn lại đều do nhân dân ủng hộ và từ nguồn xã hội hóa. Trước đó, các nội dung, kế hoạch đều được đưa ra bàn bạc, thống nhất với người dân nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao. Đặc biệt, công tác giám sát cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ đó, huy động được người dân tham gia làm “tai mắt”, giám sát công trình mà chính họ được thụ hưởng, góp phần phát huy tinh thần tự quản, trách nhiệm với cộng đồng của nhân dân.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp cùng với việc vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP. Sông Công đã từng bước được hoàn thiện, góp phần đưa kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Theo đó, trên 95% đường trục chính các xóm, tổ dân phố đã được bê tông hóa; 146/146 xóm, tổ dân phố đã có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu nhân dân; hệ thống kênh, mương được đầu tư, nâng cấp phục vụ tốt nhu cầu sản xuất...
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục rà soát, đánh giá các công trình cơ sở hạ tầng tại các địa phương, trong đó ưu tiên các công trình dân sinh đã xuống cấp nhằm kịp thời triển khai cơ chế hỗ trợ xây dựng, nâng cấp phù hợp. Năm 2022, TP. Sông Công phấn đấu xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 39 công trình đường giao thông nông thôn với chiều dài 17,6km; 5 công trình kênh mương với chiều hơn 1km; xây dựng 3 xóm nông thôn mới kiểu mẫu…