Liên kết sản xuất tiêu thụ: Giải "bài toán" thu lời từ lúa gạo

07:28, 27/06/2022

Hai năm trở lại đây, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Phổ Yên (Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên) đã tiến hành liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với một số hộ dân trên địa bàn xã Minh Đức. Tham gia mô hình liên kết, bà con đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần giảm công lao động. Ngoài ra, việc liên kết cũng góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm lúa gạo của địa phương.

Có mặt tại cánh đồng xóm 12, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) vào một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi được chứng kiến khung cảnh thu hoạch lúa nhộn nhịp. Cứ sau vài phút, chiếc máy gặt đập liên hoàn lại quay vào bờ, người dân hồ hởi cùng nhau khiêng những bao thóc chắc nịch đặt lên bàn cân. Cạnh đó, 2 chiếc xe tải đã chờ sẵn để vận chuyển thóc của bà con đi sấy và xay sát ngay trong ngày, đảm bảo chất lượng gạo thơm ngon. Bán được thóc tươi ngay tại ruộng, không phải mất công phơi, bảo quản nên nông dân ai nấy đều phấn khởi.

Bà Lê Thị Khánh, một hộ dân xóm 12, phấn khởi: Được Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Phổ Yên thu mua thóc tại ruộng với giá 7.200 đồng/kg, cao hơn thị trường 2 nghìn đồng/kg, tôi nhận về gần 1,6 triệu đồng. Ngoài ra, khi tham gia mô hình liên kết, tôi nhận thấy, lúa VNR20 cho năng suất cao hơn hẳn các loại giống khác. Nhà tôi cấy chưa đến 1 sào ruộng mà thu được đến 2,2 tạ thóc. Ngoài ra, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác nên sâu bệnh giảm đáng kể, hạn chế việc phải phun thuốc trừ sâu, giảm chi phí sản xuất. 

Còn chị Trương Thị Đào, một hộ dân khác trong xóm 12, chia sẻ: Sau 2 vụ tham gia sản xuất lúa theo phương thức liên kết, tôi nhận thấy công việc nhà nông đỡ vất vả hơn so với trước đây. Cụ thể, trong quá trình canh tác, chúng tôi được cán bộ Chi nhánh hướng dẫn tường tận về kỹ thuật từ khâu gieo cấy, bón phân và ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đến khi lúa chín, máy gặt đập liên hợp phụ trách thu hoạch, bà con bán thóc tươi ngay tại ruộng, không phải chở về nhà phơi, quạt, do vậy chi phí sản xuất cũng giảm hơn. Vụ này, nhà tôi thu hoạch được gần 6 tạ thóc, thu về hơn 4,3 triệu đồng, cao hơn 1,2 triệu đồng so với sản xuất thông thường.

Người dân xóm 12, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) sử dụng máy gặt đập liên hoàn, góp phần giảm chi phí công lao động.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là năm thứ 2 Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Phổ Yên phối hợp với Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp an toàn Đầm Mương (xã Minh Đức) triển khai liên kết sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10ha, với 40 hộ dân tham gia. Giống lúa được đưa vào gieo cấy là lúa thuần chất lượng cao VNR20 của Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Vinaseed.

Tham gia liên kết, bà con được Chi nhánh hỗ trợ 50% giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Do áp dụng theo quy trình kỹ thuật nên trên đồng ruộng không xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại như: Đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và đen, lép hạt; năng suất lúa đạt 3 tạ thóc tươi/sào, cao hơn 1 tạ/sào so với các giống lúa khác. Mặt khác, do gieo cấy cùng một thời điểm, cùng một loại giống nên tạo thuận lợi trong sản xuất, việc chăm sóc, mở ra hướng sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Đặc biệt, Chi nhánh vật tư nông nghiệp Phổ Yên cam kết thu mua sản phẩm thóc tươi của bà con nhân dân với giá cao hơn thị trường khoảng 10%. Sau khi trừ chi phí đầu vào, bà con thu lãi khoảng 26 triệu đồng/ha.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thụ, Giám đốc Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Phổ Yên, cho biết: Chúng tôi chọn cánh đồng của bà con xóm 12 để liên kết vì khu vực này liền đồng, liền thửa, giao thông nội đồng cũng đã được cứng hóa, đi lại thuận tiện. Sau khi thu mua thóc tươi của bà con tại ruộng, chúng tôi sẽ chế biến theo công nghệ của Nhật Bản tại một nhà máy ở tỉnh Hà Nam. Thóc sẽ được sấy khô và xay sát theo tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo giữ được các loại vitamin.

Theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế TP. Phổ Yên: Từ mô hình liên kết sản xuất lúa, người dân xã Minh Đức nói riêng và TP. Phổ Yên nói chung đã chú ý hơn đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá. Thêm nữa, điều quan trọng nhất là bà con nông dân đã bước đầu chuyển hướng sang xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, dần loại bỏ suy nghĩ "trồng lúa chỉ đủ ăn chứ không có lãi". Từ đó, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao. 

Có thể nhận thấy, ngoài việc được bao tiêu đầu ra, việc tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo còn giúp người nông dân có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật trồng trọt mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Thêm vào đó, bà con cũng không còn phải lo lắng tình trạng “được mùa mất giá”, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống ngay trên đồng ruộng của mình.