Sản xuất công nghiệp “vào đà” chờ “bứt tốc”

07:46, 14/06/2022

7 giờ sáng, tại mọi tuyến đường trong các khu công nghiệp, dòng người nối đuôi vào nhà máy, sẵn sàng bắt đầu ngày làm việc mới. Đến thời điểm này, hoạt động sản xuất tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoàn toàn. Kết quả này có được nhờ sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp để ổn định sản xuất - kinh doanh, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong khu vực sản xuất của Công ty TNHH Hoàn Mỹ, phường Cải Đan (T.P Sông Công), hàng chục công nhân đang khẩn trương hoàn thành các lô hàng, đưa đến kho để chuẩn bị xuất bán cho đối tác. Những dòng xe nối đuôi nhau di chuyển trong nhà máy cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Ông Phạm Tuần Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ, vui mừng: Ngoài sản xuất các mặt hàng như bao bì carton, mới đây chúng tôi đã ký kết được 2 đơn hàng lắp đặt dây chuyền sản xuất bao bì cho công ty may mặc tại Phú Thọ và Thanh Hoá với tổng giá trị 43 tỷ đồng. Để đáp ứng việc mở rộng dây chuyền sản xuất cũng như lĩnh vực kinh doanh, Công ty đang tuyển dụng thêm 10 lao động với mức thu nhập từ 6- 8 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất bao bì carton tại Công ty TNHH Hoàn Mỹ.

Cùng chung niềm vui, Công ty TNHH Thép Xuân Trường (TP. Thái Nguyên) cũng đã vượt qua chặng đường cam go nhất. Giá vật liệu xây dựng tăng cùng số lượng đơn hàng cao gấp 2-3 lần so với thời kỳ cao điểm của dịch bệnh là tiền đề quan trọng để đơn vị có thể hoàn thành mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Ông Nguyễn Minh Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Thép Xuân Trường, chia sẻ: Sau khi hàng hoá được thông thương, Xuân Trường đã mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất và mở mới các đại lý tại TP. Thái Nguyên, huyện Đại Từ và tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh giao dịch trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như: Alibaba, Amazon để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm cơ hội tại những thị trường ngoài nước.

Còn đối với ngành May mặc, sự dịch chuyển của thị trường đang tạo ra “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Kim Seung Tech, Giám đốc kinh doanh Công ty CP May Phú Lương SEWCRAT, cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, doanh nghiệp đang triển khai đầu tư mở rộng nhà máy giai đoạn 2. Sau khi Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ nâng công suất của đơn vị lên gấp 2 lần với doanh thu dự kiến đạt trên 70 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động. Qua đó, đóng góp tích cực vào phát triển sự kinh tế - xã hội của địa phương.

Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn bình quân chung của cả nước và là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao. Từ thực tế có thể thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.

Công nhân Công ty CPTM Thép Việt Cường đang hoàn thành sản phẩm.

Nhằm gia tăng “sức khỏe” cho các doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã linh hoạt triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thái Nguyên: Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nổi bật nhất là triển khai các dự án đầu tư công tạo cơ hội việc làm cho doanh nghiệp và giúp thị trường thêm sôi động. Mới đây nhất là việc lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, cải cách thủ tục hành chính…đã tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ.

Từ thực tế cho thấy, những kết quả đạt được cùng với chủ trương đúng đắn, các giải pháp đồng bộ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của Trung ương, của tỉnh sẽ là nền tảng, tiền đề để công nghiệp Thái Nguyên tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, từng bước hình thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 theo mục tiêu đề ra.