Năm học 2021 - 2022, huyện Đồng Hỷ có trên 21.200 học sinh theo học ở 808 nhóm, lớp. Đến thời điểm này, 55 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để thích ứng trước diễn biến của dịch COVID-19, vừa bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, vừa triển khai tốt các hoạt động giáo dục, sẵn sàng tâm thế cho năm học mới với mục tiêu “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”…
Những ngày này công tác chuẩn bị cho năm học mới tại trường Mầm non số 2 Hóa Thượng đang được khẩn trương thực hiện. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng Nhà trường phấn khởi cho biết: Nhà trường mới nhận bàn giao công trình nhà 2 tầng với 10 phòng học khép kín và các công trình phụ trợ có tổng kinh phí trên 11,6 tỷ đồng. Những ngày qua, giáo viên, phụ huynh nhà trường tích cực dọn dẹp vệ sinh để đưa vào sử dụng các phòng học mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học này. Năm nay, nhà trường đón trên 330 trẻ ra lớp, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 100%, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 21,4%...
Còn tại xã Văn Lăng, một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, ông Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 4 cơ sở giáo dục. Nếu dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chúng tôi cũng chuẩn bị phương án cho các cháu học trực tuyến. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra thì học sinh nơi đây sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nhiều gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã năm 2020 chiếm tới 58,4%), không có điện thoại thông minh, máy tính. Đặc biệt là nhiều xóm như Liên Phương, Bản Tèn, Khe Hai, Vân Lăng, Khe Quân, Rạn, Tân Thịnh… không có mạng internet nên việc học trực tuyến hầu như không triển khai được.
Đặc biệt, đối với các em học sinh tiểu học, việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để vào các phần mềm dạy học trực tuyến còn nhiều hạn chế so với các em học sinh THCS.
Chia sẻ thêm về điều này, cô giáo Lưu Thị Hạnh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng cho biết: Dạy học trực tuyến với học sinh lớp 2, 3, 4 đã khó khăn rồi thì với lớp 1 lại càng khó hơn nữa. Lớp có gần 20 học sinh nhưng chỉ 2 đến 3 em có máy tính, còn một số em dùng điện thoại thông minh nhưng đa số gia đình các em dùng gói mạng chậm. Thêm nữa, học sinh lớp 1 còn bé chưa biết dùng điện thoại, máy tính vì vậy mỗi khi học phải nhờ bố mẹ mở điện thoại, máy tính cho. Nếu dạy ban ngày mà bố mẹ phải ngồi cùng các con cả buổi thì không đi làm được, cho nên chúng tôi phải dạy buổi tối và dạy ở trường...
Được biết, năm học 2021 - 2022, huyện Đồng Hỷ có trên 21.200 học sinh theo học ở 808 nhóm, lớp, tăng 16 nhóm lớp với 320 học sinh so với năm học trước. Trong đó, cấp học mầm non có 278 nhóm, lớp với 5.802 trẻ; cấp tiểu học có 353 lớp với 9.244 học sinh, tỷ lệ huy động vào lớp 1 đạt 100%; cấp THCS có 177 lớp với 6.165 học sinh, tỷ lệ huy động vào lớp 6 đạt 98,7%.
Phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát trường lớp, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... để chuẩn bị cho năm học mới nói chung và thực hiện chương trình SGK mới đối với các lớp 1, 2, 6 nói riêng. 100% cán bộ quản lý và giáo viên tham gia dạy theo chương trình SGK mới được tập huấn.
Các trường cũng chủ động hợp đồng giáo viên, nhân viên còn thiếu để bố trí, phân công giảng dạy cho năm học mới đảm bảo theo quy định. Về cơ sở vật chất, huyện đã đầu tư xây mới 22 phòng học, 2 nhà hiệu bộ và các phòng chức năng với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 22 phòng học, 6 phòng chức năng với kinh phí khoảng 7,5 tỷ đồng.
Kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học chuẩn bị cho Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 2, 6 năm học 2021-2022 dự kiến được cấp khoảng 4,5 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ cho biết: Chúng tôi đã báo cáo xin ý kiến UBND huyện, Sở GD&ĐT về phương án tổ chức khai giảng và dạy học năm học mới phù hợp với mức độ tình hình dịch bệnh COVID-19. Trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, tại những khu vực không có sóng viễn thông hoặc sóng yếu, Phòng GD&ĐT huyện Đồng Hỷ phối hợp với các nhà cung cấp mạng viễn thông để lắp đặt thêm thiết bị, đường truyền internet; yêu cầu các nhà trường rà soát, phân loại học sinh để đưa ra những phương án dạy và học phù hợp, học sinh nào được học trực tuyến đều đặn, chưa đều hoặc chưa được học thì phải có phương án dạy bù khi các em quay lại trường học...