Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải có môi trường giáo dục tốt. Từ quan điểm đó, chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) được cấp ủy, chính quyền T.P Sông Công luôn quan tâm chỉ đạo triển khai. 5 năm trở lại đậy, hệ thống trường lớp trên địa bàn toàn thành phố cơ bản đã đạt CQG, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Khó khăn nhất trong xây dựng trường CQG đối với các địa phương nói chung và T.P Sông Công nói riêng là thiếu quỹ đất và nguồn lực để đầu tư đồng bộ.
Cô giáo Dương Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: Xây dựng trường CQG phải bắt đầu từ nhu cầu cải thiện môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học theo tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận các tiêu chuẩn cao hơn. Như vậy, bản chất xây trường CQG phải xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, thông qua chính quyền để tổ chức thực hiện.
Từ quan điểm và nhận thức đó, hàng năm, Trường THCS Nguyễn Du luôn tham mưu với địa phương về kế hoạch phát triển giáo dục để cải thiện môi trường dạy và học ngày càng tốt hơn. Đến năm 2020, Trường đầu tư xây dựng CQG trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm... Tất cả các nguồn lực tài trợ được đầu tư kịp thời đã góp phần tạo nên ngôi trường khang trang, hiện đại.
Nhìn lại công tác xây dựng trường CQG của T.P Sông Công giai đoạn 2016-2020 có thể thấy sự quan tâm sâu sắc của chính quyền, cụ thể là việc cân đối và bố trí nguồn lực tập trung từ các nguồn ngân sách, vốn các chương trình, dự án; nguồn xã hội hóa...
Với tổng vốn đầu tư trên 312 tỷ đồng, trong đó huy động xã hội hóa được hàng chục tỷ đồng, thành phố đã đầu tư xây mới gần 230 phòng học, phòng chức năng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các nhà trường trên địa bàn.
Đồng chí Trịnh Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho biết: Hằng năm, Phòng phối hợp với các ban, ngành liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch và phân kỳ tiến độ đầu tư cụ thể cho từng cấp độ và hạng mục, bảo đảm hiệu quả, chất lượng. Bên cạnh đó, hàng tháng, Phòng tham mưu, đề xuất với UBND thành phố kế hoạch xây mới, sửa chữa các trường, lớp học xuống cấp; đầu tư mua sắm, bổ sung trang, thiết bị, đồ dùng dạy học; tổ chức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường...
Đến hết năm học 2020-2021, T.P Sông Công có 31/31 trường công lập đạt CQG. Sau khi sáp nhập 2 trường liên cấp tiểu học và THCS, thành phố tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư để cơ sở giáo dục này đạt CQG và năm 2023.
Giai đoạn 2021-2025, T.P Sông Công sẽ tiếp tục ưu tiên kinh phí để xây mới, sửa chữa, mở rộng quy mô trường lớp các bậc học nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải học sinh cho các nhà trường; phấn đấu có 40% số trường đạt CQG mức độ 2, tăng 10% so với giai đoạn 2016-2020. Đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, T.P Sông Công cũng chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá, phù hợp với công tác đổi mới toàn diện giáo dục. Giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục T.P Sông Công phấn đấu 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.
Kết quả 2 năm học gần đây cho thấy, chất lượng giáo dục của T.P Sông Công được cải thiện khá rõ và là một điểm sáng của tỉnh. Năm học 2019-2020, 2020-2021, 100% giáo viên bậc mầm non và THCS thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đều đạt giải. Tỷ lệ học sinh các cấp học đạt học lực khá, giỏi chiếm gần 70%. Số lượng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia đạt giải tăng từ 15- 20% so với các năm học trước.