Đại học Thái Nguyên: Nâng cao vai trò, vị trí, sứ mệnh 

Thúy Hằng 10:50, 31/12/2022

Những năm qua, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách... Qua đó khẳng định vị thế, vai trò của một đại học vùng lớn mạnh trong cả nước.

Lãnh đạo ĐHTN và Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc ký kết biên bản ghi nhớ thống nhất hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng mạng lưới chuyên gia, trao đổi giảng viên, sinh viên.

Đào tạo, nghiên cứu gắn với nhu cầu xã hội

ĐHTN đang tổ chức đào tạo 142 ngành trình độ đại học, với trên 250 chương trình đào tạo; 63 ngành trình độ thạc sĩ; 32 ngành trình độ tiến sĩ; 20 ngành đào tạo chuyên khoa y dược, 4 ngành đào tạo bác sĩ nội trú và 25 ngành đào tạo trình độ cao đẳng. Các ngành đào tạo của ĐHTN bao trùm tất cả các lĩnh vực (trừ an ninh - quốc phòng và ngoại giao).

Trong năm học 2021-2022, toàn ĐHTN đã xây dựng mới 34 bài giảng E-Learning và 502 bài giảng điện tử khác, biên soạn và xuất bản 37 giáo trình, mua mới 29 đầu giáo trình và 348 đầu sách tham khảo, số hóa được 637 giáo trình và 1.762 học liệu điện tử khác, biên soạn 502 bài giảng điện tử.

Với nỗ lực triển khai và mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, hiện ĐHTN có 2 chương trình liên kết quốc tế đào tạo tiến sĩ; 3 chương trình liên kết quốc tế đào tạo thạc sĩ; 6 chương trình liên kết quốc tế đào tạo trình độ đại học và 15 chương trình đào tạo trọng điểm định hướng chất lượng cao.

Giai đoạn 2020-2025, ĐHTN chú trọng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là các chương trình trọng điểm theo định hướng chất lượng cao; xây dựng học liệu điện tử, kết hợp đào tạo trực tuyến (E-learning) với đào tạo truyền thống để nâng cao chất lượng học tập.

Việc mở ngành đào tạo và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế bước đầu được đánh giá tích cực và được xã hội công nhận. Người học tốt nghiệp đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và đất nước.

Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHTN) trong giờ thực hành.

Trung bình mỗi năm, ĐHTN đào tạo trên 9.000 cử nhân, kỹ sư, cao đẳng và trung cấp nghề hệ chính quy, 1.350 thạc sĩ và tương đương, 20-25 tiến sĩ, 100-150 lưu học sinh nước ngoài và hàng chục nghìn sinh viên, học viên hệ vừa làm vừa học. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng luôn được ĐHTN đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2015-2021, ĐHTN triển khai thực hiện 74 đề tài cấp Nhà nước; 3 dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ; 408 đề tài cấp bộ và cấp ĐHTN; 77 đề tài cấp tỉnh; 7 đề tài, 18 dự án hợp tác quốc tế, với tổng kinh phí 3,44 triệu USD.

Từ kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ, có 9.916 công trình khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trong đó số công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/SCOPUS là 1.726 bài. Với những kết quả đó, ĐHTN xếp thứ 9/35 trường được xếp hạng về chỉ số nghiên cứu; xếp hạng 3/35 cơ sở giáo dục đại học về chỉ số nghiên cứu nội lực.

Tư vấn hiệu quả chính sách phát triển cho các địa phương

Đi đôi với chuyển giao công nghệ, ĐHTN luôn quan tâm tới hoạt động tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ. ĐHTN đã phối hợp với các tỉnh tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế để tư vấn cho địa phương về hoạch định chính sách, xây dựng đề án, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, ĐHTN còn phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất, tổ chức khảo sát, xây dựng các đề án, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, các vấn đề kinh tế vùng, chính sách thu hút và quản lý nguồn đầu tư nước ngoài, đào tạo nghề và xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên, môi trường…

Các trường thành viên của ĐHTN tăng cường hợp tác với doanh nghiệp tổ chức hội thảo, diễn đàn, ngày hội việc làm để sinh viên có cơ hội phỏng vấn, tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Cùng với đó, ĐHTN triển khai hiệu quả công tác đào tạo cho cán bộ vùng dân tộc thiểu số thông qua việc đón nhận sinh viên đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ và dự bị đại học. Việc đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng tại nhiều tỉnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu các địa phương về quản lý, thực tiễn sản xuất…

Trong 5 năm qua, ĐHTN đã đào tạo gần 50.000 người tốt nghiệp các trình độ của giáo dục đại học, trong đó, các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm 81,3% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học với 35% là người dân tộc thiểu số; số lượng tốt nghiệp thạc sĩ của các tỉnh trong vùng là 5.524 người (chiếm 75,9% số người học của đơn vị), 220 người tốt nghiệp tiến sĩ (chủ yếu là cán bộ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng thuộc các tỉnh trong vùng).

Đến nay, ĐHTN đã ký biên bản hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, trồng trọt các loại cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, cây ngắn ngày… Tiêu biểu là đối với tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2016 đến nay, ĐHTN và các trường thành viên đã triển khai thực hiện trên 30 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 76 tỷ đồng.

Để tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của đại học vùng đối với khu vực và cả nước, ĐHTN đã xây dựng kế hoạch phát triển trong những năm tới, với một số nhiệm vụ lớn gồm: phát triển quy mô đào tạo hợp lý; tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng và đào tạo, khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; tập trung phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định; xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở gắn với mô hình đại học điện tử, thông minh.



Du Học - Đặt Cược Cho Tương Lai Theo học ngành phien dich tieng han tại Đại học Duy Tân