Ngoài các chính sách của Nhà nước, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Những chính sách hỗ trợ của tỉnh chính là tiền đề, tạo động lực để ngành Giáo dục có những bứt phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...
Cơ sở vật chất trường học, các phòng bộ môn ở các trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Đội Cấn 1 (TP. Thái Nguyên) đọc sách tại thư viện trong giờ giải lao. |
Từng bước chuẩn hóa trường, lớp
Từ nguồn ngân sách của tỉnh và xã hội hóa giáo dục, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả. Chỉ tính riêng năm học 2021-2022, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 705 phòng học, phòng chức năng và sửa chữa 591 phòng học, phòng chức năng, với tổng kinh phí trên 183 tỷ đồng.
Thái Nguyên đã hoàn thành các dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc gia. Hiện toàn tỉnh có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú; 10 trường phổ thông dân tộc bán trú, đảm bảo tỷ lệ 8% học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Hiện nay, Thái Nguyên có 600/686 trường học các cấp đạt trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 87,46%, tăng 2,23% so với năm học trước. |
Kết quả trên có được là do ngành Giáo dục đã bám sát Nghị quyết, giao chỉ tiêu về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 154/NQ-HĐND thông qua Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025.
Với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, riêng năm học 2021-2022, toàn tỉnh đã công nhận 32 trường mầm non, 41 trường tiểu học, 30 trường THCS và 2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo
Mặc dù đã quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV); rà soát, sắp xếp, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho CBGV… nhưng đối chiếu với Luật Giáo dục năm 2019, Thái Nguyên vẫn còn trên 2.000 CBGV chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định. Trong đó nhiều nhất là cấp tiểu học 1.352 giáo viên. Trước thực tế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án với nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 1.498 giáo viên chưa đạt chuẩn đã đi đào tạo nâng chuẩn, số chưa tham gia đào tạo là 747 người. |
Ngày 12/8/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 153/NQ-HĐND thông qua Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án). Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 là phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, các địa phương đã rà soát đội ngũ CBGV chưa đạt chuẩn để cử đi đào tạo. Bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phổ Yên, thông tin: Toàn thành phố còn trên 100 giáo viên chưa đạt chuẩn. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ này. Theo dự tính, đến đầu năm 2024, 100% giáo của Phổ Yên đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Đầu tư cho dạy và học ngoại ngữ
Với lợi thế là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước, trong những năm qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã khai thác, phối hợp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.
Riêng năm học 2021-2022, ngành Giáo dục đã cử 570 giáo viên dạy môn Tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ, nâng cao kỹ năng nghe, nói. Nhờ vậy chất lượng giáo viên cũng như kết quả học tập bộ môn này ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh trên địa bàn. Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 172/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh. Từ các chính sách của tỉnh, tinh thần dạy và học môn tiếng Anh trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Các trường mầm non đã đẩy mạnh cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Riêng năm học 2021-2022 đã có 161/246 trường mầm non thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh (tỷ lệ 65,4%), tổng số trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh là 15.220/66.343 (tỷ lệ 22,9%)...
Với những nhiều giải pháp chất lượng, môn học tiếng Anh đã được nâng lên, minh chứng sống động là kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2021-2022, Thái Nguyên có 15 giải các môn ngoại ngữ (tăng 2 giải so với năm học 2020-2021). Đặc biệt, có trên 300 học sinh có chứng chỉ chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên được hỗ trợ lệ phí thi, với số tiền trên 1,3 tỷ đồng, trong đó có 15 học sinh có kết quả cao với mức điểm đạt 8.0.
Theo mục tiêu của Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng bổ sung 1.566 phòng học, 3.007 phòng học bộ môn và phòng phục vụ học tập; mua bổ sung 7.702 bộ thiết bị tối thiểu, bộ đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non và bộ thiết bị tối thiểu từ lớp 2 đến lớp 12; 12.963 bộ máy tính... với tổng kinh phí trên 2.820 tỷ đồng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin