Xây dựng xã hội học tập:
Cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân

Hà Phương 18:55, 30/01/2023

Chủ trương xây dựng xã hội học tập ở nước ta chính thức được đặt ra từ Đại hội IX (tháng 4 năm 2001), dựa trên cơ sở chính là Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 khoá VIII, coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Lãnh đạo Samsung Thái Nguyên và lãnh đạo tỉnh trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” cho các em học sinh vượt khó học tập tiêu biểu năm 2022. Ảnh: T.L

Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng mở, học tập suốt đời, học tập thường xuyên; kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh ở mọi nơi, trong từng cộng đồng là nội dung cơ bản của xã hội học tập.

Trải qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (KH, KT, XDXHHT).

Triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định số 89/QĐ-Ttg, cùng với một số đề án thành phần, phong trào học tập của nhân dân trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị ở cấp xã, phường, thị trấn đã phát triển, tạo khí thế tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế ở mỗi gia đình cũng như địa phương…

Các mô hình học tập tập trung vào thúc đẩy cả người lớn và trẻ em trên địa bàn thi đua học tập để phát triển bền vững. Đây chính là nền tảng quan trọng để nhân rộng, xây dựng xã hội học tập cấp huyện, cấp tỉnh.

Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả đáng trân trọng, song nhiều chỉ tiêu đề ra vẫn chưa đạt được. Hình ảnh về xã hội học tập tuy đã rõ hơn nhưng “bức tranh” tổng thể về xã hội học tập thì chưa được thể hiện rõ; nhận thức về xây dựng xã hội học tập chưa được đầy đủ, chưa phải ở đâu cũng nhận thấy được sự cần thiết phải xây dựng xã hội học tập; sự kết nối giữa các ngành, đoàn thể liên quan trong xây dựng xã hội học tập còn lỏng lẻo. Chúng ta vẫn chưa xây dựng được các tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập ở các cấp.

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động KH, KT, XDXHHT với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai đến tất cả các chi bộ đảng.

Triển khai xây dựng xã hội học tập giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1373-QĐ-Ttg ngày 30/7/2021 về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 04/7/2022 thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh.

Với mục đích đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn tỉnh, duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc; đưa nhiệm vụ KH, KT, XDXHHT vào nội dung đánh giá thi đua hàng năm, việc xây dựng xã hội học tập rất cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia, hưởng ứng.

Với mục tiêu chung là: “Tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”, kế hoạch đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã được giao nhiệm vụ để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác KH, KT, XDXHHT trên địa bàn tỉnh.

Để xây dựng thành công xã hội học tập giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh, người dân rất mong muốn cán bộ, đảng viên ở các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong các tổ chức đảng, chính quyền; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt Kết luận 49/KL-TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.

Cùng với đó là phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng xã hội học tập; có cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo điều kiện cho hoạt động KH, KT, XDXHHT; phối hợp tốt giữa các tổ chức chính trị, lực lượng xã hội vào sự nghiệp KH, KT, XDXHHT, tạo sự thống nhất, đồng thuận, tạo sức mạnh tổng hợp làm nền tảng vững chắc trong xây dựng xã hội học tập.

“Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KH, KT, XDXHHT là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu… Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân”.

(Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/5/2019)