Yêu văn hóa dân tộc qua từng bài giảng

Thu Huyền 11:34, 18/03/2023

Với mục tiêu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương, từ nhiều năm nay, những nét văn hóa như: Hát Then, đàn Tính, một số nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số… đã được Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ) lồng ghép vào chương trình giáo dục và hoạt động trải nghiệm. Nội dung này được các em học sinh đón nhận tích cực.

Các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ hát Then tại một buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ hát Then tại một buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Thầy giáo Lã Trung Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết: Địa bàn tuyển sinh của Trường ở 11 xã phía Bắc của huyện, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chung sống. Hiện, các em là người DTTS chiếm tới gần 70% tổng số học sinh của Nhà trường, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao… Chính bởi vậy, cùng với chương trình giáo dục theo quy định, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục văn hóa dân tộc cho các em.

Thông qua chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ được tìm hiểu, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc tại địa phương. Đặc biệt, Nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) về bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, thu hút đông đảo học sinh tham gia, như: CLB học sinh dân tộc Dao, CLB hát Then.

Ngoài ra, Trường còn có CLB nữ sinh DTTS được thành lập từ đầu năm 2021, đến nay đã phát triển lên 60 thành viên. CLB thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, cung cấp kiến thức về quản lý tài chính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của các học sinh nữ là người DTTS.

Để tiết học, hoạt động ngoại khóa về văn hóa dân tộc thêm chân thực, sinh động, giáo viên của Trường THPT Nguyễn Huệ đã phối hợp với các địa phương tìm người bản địa, có kiến thức sâu rộng về văn hóa dân tộc, có khả năng truyền đạt tốt đến trao đổi, nói chuyện, chia sẻ về cuộc sống sinh hoạt cũng như những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Các hoạt động trải nghiệm cũng được chọn lọc, đảm bảo các tiêu chí dễ tổ chức, dễ học, dễ vận dụng trong cuộc sống…

Từ năm 2018 đến nay, một trong những hoạt động ngoại khóa được nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ yêu thích là tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao. Vẫn những em học sinh ấy, lớp học ấy, song người giảng bài không phải là giáo viên quen thuộc, mà là đồng bào người Dao.

Lúc chúng tôi đến thăm, người truyền đạt văn hóa dân tộc là chị Dương Thị Kim Cảnh, người dân tộc Dao ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên. Sau những lời giới thiệu, giảng giải mạch lạc về nét độc đáo cũng như ý nghĩa của từng hoa văn, họa tiết trên trang phục của dân tộc mình, chị Cảnh tỉ mỉ hướng dẫn cho các em học sinh từng đường kim, mũi chỉ để tạo nên những họa tiết ấy.

Nhà trường thường xuyên mời đồng bào dân tộc thiểu số đến truyền đạt, giới thiệu trực tiếp về văn hóa dân tộc cho các em học sinh. Trong ảnh: Một buổi thực hành thêu họa tiết của CLB học sinh dân tộc Dao.
Trường THPT Nguyễn Huệ thường xuyên mời các nghệ nhân người dân tộc thiểu số đến truyền đạt, giới thiệu trực tiếp về văn hóa dân tộc cho các em học sinh. Trong ảnh: Một buổi thực hành thêu họa tiết của CLB học sinh dân tộc Dao.

Chị Cảnh chia sẻ: Việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Dao là trăn trở của tôi và nhiều bậc cao niên trong bản bấy lâu nay. Do vậy, khi Nhà trường ngỏ ý phối hợp truyền dạy văn hóa dân tộc Dao cho học sinh, tôi rất phấn khởi và đồng ý ngay. Không chỉ dạy các em biết thêu thùa, hiểu được văn hóa, ngôn ngữ của người Dao, mong muốn lớn nhất của tôi là truyền cảm hứng cho con em mình biết yêu bản sắc văn hóa của dân tộc, có ý thức giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống.

Được tham gia tiết học, em Đỗ Thùy Trang, lớp 12A1, nói: Là người dân tộc Nùng, song khi được các bạn chia sẻ về các hoạt động CLB học sinh dân tộc Dao, em thấy rất thú vị nên đã đăng ký tham gia. Qua các buổi sinh hoạt, chúng em được tự tay thêu các sản phẩm, được tham dự lễ Cấp sắc, nghi thức cưới hỏi của đồng bào Dao… Qua mỗi buổi học, em càng thấy yêu thêm văn hóa của các dân tộc trên quê hương mình.

Cô Nguyễn Thị Hồng Yến, giáo viên Ngữ Văn, người đồng sáng lập CLB học sinh dân tộc Dao, cho hay: Sự hào hứng tìm hiểu, học tập về văn hóa các dân tộc của các em học sinh chính là động lực để chúng tôi duy trì, phát triển CLB. Từ một vài thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã phát triển lên hơn 50 học sinh tham gia. Ngoài truyền đạt trực tiếp, các nội dung giáo dục còn được chia sẻ trên Fanpage, nhóm Zalo của CLB.

Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2022, song CLB hát Then của Trường THPT Nguyễn Huệ cũng đã thu hút gần 20 học sinh tham gia. Việc tìm hiểu, thử sức với loại hình văn hóa diễn xướng tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày khiến nhiều em thích thú.

Cô Hoàng Thị Hậu, giáo viên tổ Xã hội, vui vẻ: Trong quá trình hoạt động, chúng tôi đã mời các nghệ nhân địa phương về giảng dạy, với nội dung chủ yếu là những bài hát Then gần gũi, cách đệm đàn và một số điệu múa dân tộc cho các em học sinh. Đồng thời, sưu tầm các bài Then cổ, giúp học sinh hiểu, tăng thêm vốn từ và hát đúng làn điệu. Những làn điệu dân ca ấm áp và giàu bản sắc đã mang đến một màu sắc mới cho Nhà trường, tạo không khí thi đua, học tập sôi nổi cho các em học sinh.

Bên cạnh sinh hoạt thường kỳ của các CLB, Trường THPT Nguyễn Huệ còn lồng ghép giáo dục về văn hóa dân tộc trong các giờ ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, tiết học giáo dục địa phương… Giáo dục văn hóa dân tộc cũng được Nhà trường đưa vào trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ hay các cuộc thi. Cuối năm 2022, đề tài của CLB hát Then đã đạt giải Tư tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên tổ chức.

“Việc đưa văn hóa của một số dân tộc vào hoạt động giáo dục trong Nhà trường góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, giúp giáo viên hiểu về địa bàn, học sinh. Đồng thời xây dựng tình đoàn kết trong môi trường học tập đa dân tộc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, bố trí đội ngũ giáo viên có tâm huyết, kinh nghiệm và sắp xếp thời gian hợp lý để tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa phù hợp, cũng như đa dạng hóa các hình thức giáo dục văn hóa dân tộc trong Nhà trường” - thầy giáo Lã Trung Hiếu cho biết thêm.