Chuyển đổi số ngành Giáo dục: Nhanh hơn, toàn diện hơn

Hằng Nga 08:55, 31/05/2023

Hướng đến mục tiêu đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động hàng ngày trong tất cả các lĩnh vực của giáo dục, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS). Nhanh hơn, hiệu quả hơn và chất lượng cao hơn là những giải pháp đang được áp dụng tại các trường.

Tiết học Ngữ văn ứng dụng công nghệ số của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ.
Tiết học Ngữ văn ứng dụng công nghệ số của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ. Ảnh: T.L

Năm học 2023-2024, lần đầu tiên TP. Thái Nguyên thực hiện đăng ký tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức trực tuyến trên hệ thống do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai tại địa chỉ https://thainguyen.tsdc.vnedu.vn. Trường hợp đặc biệt có thể đăng ký trực tiếp tại trường, phụ huynh học sinh in mẫu đơn đăng ký dự xét tuyển trên hệ thống đăng ký tuyển sinh (hoặc trên website của trường).

Theo chị Nguyễn Thị Thủy, ở phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên): Cách thức tuyển sinh năm nay có nhiều thuận lợi cho phụ huynh. Khi đăng ký tuyển sinh trực tuyến, chúng tôi không còn phải lo đến trường để làm các thủ tục giấy tờ, đi lại và chờ đợi mất thời gian.

Hiện nay, toàn tỉnh có 694 cơ sở giáo dục, với trên 341 nghìn học sinh và gần 26 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thực hiện CĐS, ngành Giáo dục gặp không ít thách thức, như: hạ tầng thiết bị công nghệ thiếu, không đồng bộ; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên cao tuổi, cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế… Song xác định rõ CĐS chính là cơ hội để sự nghiệp giáo dục hội nhập tốt với thế giới, nên không chỉ TP. Thái Nguyên mà toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực CĐS trên tất cả các lĩnh vực.

Buổi họp phụ huynh học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương cô giáo tận dụng các nền tảng công nghệ thông tin để chuyển tải nội dung cuộc hop đến phụ huynh học sinh hiệu quả nhất.
Giáo viên sử dụng các nền tảng số để chuyển tải nội dung tại buổi họp phụ huynh học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương.

Tiêu biểu trong hoạt động CĐS ở các cơ sở giáo dục có thể kể đến Trường Mầm non thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ). Nhà trường đã xây dựng kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung; lựa chọn nền tảng, giải pháp để hỗ trợ thực hiện theo chương trình giáo dục mầm non. Nhà trường triển khai đến giáo viên và làm được 260 video hướng dẫn trẻ tại nhà, trong đó có 120 video có chất lượng khá tốt, nhận được nhiều bình luận và tương tác tốt từ phía phụ huynh, học sinh. Hiện nay, đội ngũ giáo viên đang tiếp tục xây dựng các video hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và vui chơi cùng con tại nhà trong thời gian trẻ không đến trường.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Sông Cầu, nói: Thực hiện chương trình CĐS, Nhà trường phân công nhiệm vụ cho từng thành viên theo kế hoạch; tổ chức tập huấn về CĐS cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; xây dựng đội ngũ cốt cán về CĐS.

Về hạ tầng công nghệ thông tin, Trường Mầm non thị trấn Sông Cầu có 2 đường truyền Internet băng rộng, 6 máy chiếu, 5 máy vi tính. Trong những năm qua, Nhà trường thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tuyển sinh, chăm sóc, giáo dục trẻ, công khai chất lượng giáo dục. Nhà trường đã chuẩn hóa dữ liệu trên hệ thống quản lý của đơn vị với cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Giáo dục tỉnh, liên thông chuẩn hóa trên cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giờ học môn Tin học của thầy và trò lớp 6A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ.

Tính chung trong toàn ngành, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Giáo dục tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dạy học và quản lý giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết các biên bản hợp tác toàn diện với VNPT, Viettel Thái Nguyên nhằm sử dụng nguồn nhân lực có chuyên môn cao của các đơn vị hỗ trợ, phục vụ nhiệm vụ triển khai thực hiện CĐS của Ngành.

Đối với hạ tầng kết nối, Ngành đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục, điểm trường có mạng internet cáp quang, sóng 3G, 4G. Tùy thuộc vào quy mô, diện tích, nhà trường phải đảm bảo tối thiểu 2 đường truyền Internet cáp quang phục vụ cho công tác văn phòng và việc dạy, học. Đối với hạ tầng thiết bị, Ngành Giáo dục đã tập trung trang bị, mua sắm đủ thiết bị máy tính, máy văn phòng phục vụ công tác quản trị nhà trường và đảm bảo dạy, học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Tin học và Ngoại ngữ; các thiết bị phục vụ họp, tập huấn trực tuyến…

Về xây dựng chính quyền số, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát triển Hệ thống quản lý văn bản đến gần 700 cơ sở giáo dục liên thông với trục quản lý văn bản của tỉnh. Quy định áp dụng toàn bộ văn bản đi, đến trong toàn Ngành sử dụng văn bản điện tử có ký số (trừ văn bản mật). Đồng thời phối hợp với C06 (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan để cấp chữ ký số công cộng có tích hợp trên ứng dụng VNeID cho gần 26 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ các công việc trong trường học và giải quyết thủ tục hành chính.

Thông qua thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ, tăng cường công tác CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Từ đó, hình thành được kho học liệu dùng chung cho ngành Giáo dục, tích hợp trên Youtube và các mạng xã hội khác; hình thành dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý của Ngành và quá trình phát triển chính quyền số của tỉnh. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã thực hiện việc thanh quyết toán chế độ, chính sách với giáo viên và người lao động không dùng tiền mặt; 100% trường học thu học phí của học sinh không dùng tiền mặt...