Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên luôn quan tâm tới công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 602/683 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ trên 88%, cao hơn mặt bằng chung cả nước.
Cơ sở vật chất của Trường Tiểu học và THCS Hóa Trung (Đồng Hỷ) đã được đầu tư khang trang. |
Đến Trường Tiểu học và THCS Hóa Trung (Đồng Hỷ), điều chúng tôi ấn tượng là khuôn viên Nhà trường rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, cùng những dãy phòng học cao tầng khang trang.
Trường đang có 37 giáo viên (đều đạt chuẩn, trên chuẩn) và 478 học sinh (trong đó có 260 học sinh bậc tiểu học, 218 học sinh bậc THCS). Được sáp nhập từ năm 2018, đến nay Trường đã đi vào hoạt động ổn định.
Năm học 2022-2023, Trường có 94 học sinh khối lớp 8, 9, trong đó học sinh đạt học lực khá, giỏi có 60 em; khối lớp 6, 7 có 101 học sinh, số học tập tốt và khá có gần 40 em...
Cô giáo Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Nhà trường, chia sẻ: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là tiêu chuẩn khó nhất đối với việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Trong khi đó, thời điểm mới sáp nhập, cơ sở vật chất của Nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương, Nhà trường được đầu tư xây dựng thêm dãy nhà 3 tầng với 12 phòng học nên đã hoàn thiện về cơ sở vật chất. Với nhiều nỗ lực, tháng 3-2021, Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Đến nay, toàn tỉnh có 210/248 trường mầm non, 203/210 trường tiểu học, 166/192 trường THCS và 23/36 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. Riêng trong năm học 2022-2023, toàn tỉnh công nhận 15 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 21 trường THCS, 4 trường tiểu học - THCS và 2 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia.
Để đạt được kết quả này, Sở Giáo dục - Đào tạo, các phòng giáo dục - đào tạo đã làm tốt công tác tham mưu với chính quyền địa phương quan tâm, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các trường.
Cùng với đó là nâng cấp cảnh quan, khuôn viên, đáp ứng các tiêu chí theo chuẩn mới; đồng thời xây dựng, triển khai các đề án trường học thông minh; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn; phối hợp với các cấp, ngành liên quan bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu...
Đặc biệt, nhiều địa phương đã triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia với kế hoạch đầu tư công để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn...
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đồng Hỷ, cho biết: Việc các trường học đẩy mạnh công tác xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa nhỏ cũng giúp việc duy trì, công nhận trường học đạt chuẩn Quốc gia đạt kết quả tốt. Riêng với huyện Đồng Hỷ, trong năm học 2022-2023, các trường đã huy động được khoảng 11 tỷ đồng để sửa chữa phòng học, tường rào, công trình vệ sinh và mua sắm trang thiết bị...
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường còn lại đạt chuẩn Quốc gia, từ nay đến năm 2025, ngành Giáo dục - Đào tạo và các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, hỗ trợ các trường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng diện tích.
Cùng với đó là có phương án bổ sung các phòng học, phòng chức năng, đảm bảo các điều kiện dạy và học; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các trường tiểu học, THCS; bổ sung thiết bị cho các trường mầm non hoạt động tốt và tuyển đủ giáo viên theo quy định...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin