"Nghề giáo không bạc bẽo. Nếu sẵn sàng hết lòng vì học trò thì giáo viên sẽ nhận được thành quả ngọt ngào", một hiệu trưởng chia sẻ về lương giáo viên hiện nay.
Giáo viên mong đợi tiền lương sau cải cách. Ảnh minh họa: Tào Nga |
Lương giáo viên: "Nghề giáo không bạc bẽo"
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về lương giáo viên hiện nay, hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cho biết: "Chúng ta vẫn đang xây dựng trường học hạnh phúc, tuy nhiên, hạnh phúc rất khó khăn bởi nhiều yếu tố.
Đó là lương hiện nay của giáo viên chưa đủ sống cho bản thân mình. Nhiều giáo viên mới ra trường chỉ nhận mức lương eo hẹp, trong khi đó có người có gia đình hoàn cảnh khó khăn, có người thì mỗi ngày đi 40km để đến lớp giảng dạy... Thực sự tiền lương của họ chỉ đủ để đổ xăng.
Trong khi đó, giáo viên gặp nhiều áp lực khác nhau: hiệu trưởng thì như "vua", học sinh thì là con vàng con bạc, phụ huynh thì không thấu hiểu chia sẻ. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, họ làm việc chân chính để đáp ứng nhu cầu cho vợ con là đủ chứ không bỏ thời gian dành cho con. Thấy con người ta đi học thêm cũng bắt con mình học thêm, một tuần đi nhậu 3-4 buổi nhưng không dành cho con 15 phút mỗi ngày trò chuyện, áp đặt suy nghĩ nên gia đình không hiểu nhau, không có tiếng nói chung... Nhiều gia đình lại cho rằng bỏ tiền ra cho con đi học ở trường thì trách nhiệm thuộc về thầy cô giáo.
Vì vậy theo tôi sắp tới lương giáo viên trả theo vị trí việc làm là phù hợp. Cường độ làm việc cao, hiệu quả công việc cao thì sẽ nhận được mức lương xứng đáng. Người trẻ làm việc với năng sức cao thì được hưởng lương cao. Thực tiễn dù không nhiều nhưng cũng cho thấy giáo viên lớn tuổi có sức ỳ, công nghệ thông tin không làm được nhưng vẫn nhận lương cao hơn giới trẻ. Xây dựng đề án trả lương theo vị trí việc làm để thúc đẩy giáo viên làm tốt hơn. Ngay cả hiệu trưởng, với mức lương cố định nào đó, nếu không làm được thì tự xin nghỉ. Tôi nhấn mạnh rằng, đường lối của Đảng, Nhà nước là đúng đắn".
Hiệu trưởng này cũng khẳng định thêm: "Nghề giáo không bạc bẽo. Nếu sẵn sàng vì học trò thì giáo viên sẽ nhận được thành quả ngọt ngào. Ai là giáo viên mà nghèo thì chứng tỏ chưa năng động, chưa biết khai thác thế mạnh của mình. Tôi có thể ví dụ như một giáo viên thể dục ở trường chỉ 1 tuần dạy 17 tiết (tương đương với 2 ngày làm việc/tuần), giáo án thì đã soạn sẵn ở nhà. Nếu thầy cô dạy tốt sẽ được các đơn vị ngoài mời dạy thêm. Mỗi ngày dạy 8 tiết (khoảng 6 tiếng), làm trong 5 ngày có thể được 40 tiết. Như vậy, mỗi tháng thầy cô làm thêm vài triệu đồng là điều đơn giản. Các ngành khác kiếm vài triệu là đã vắt kiệt sức lao động rồi".
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách
Theo nghị quyết, từ 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là viên chức được xây dựng 2 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành. Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không được thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Ngoài mức lương cơ bản, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Dự kiến từ 1/7/2024, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% (tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng) so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng), tức có thể tăng hơn mức 10 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ còn cho biết, một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Nhất là qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa.
Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GDĐT và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của viên chức giáo dục, y tế được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách hiện vẫn chưa có quyết định chính thức và đây vẫn là đề tài được nhiều giáo viên quan tâm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin