Đại học Thái Nguyên: Lần đầu tổ chức Kỳ thi V-SAT để tuyển sinh 

Thảo Nguyên 09:27, 06/05/2024

Năm 2024, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) dự kiến tuyển sinh trên 18.200 chỉ tiêu hệ chính quy (tăng hơn 2.000 chỉ tiêu so với năm 2023). Trong đó có trên 17.200 chỉ tiêu trình độ đại học, trên 1.000 chỉ tiêu trình độ cao đẳng. Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh năm nay, ĐHTN bắt đầu tổ chức các kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) để xét tuyển sinh viên đại học.

Giờ học tại phòng thí nghiệm của sinh viên chuyên ngành Tự động hóa công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên).
Giờ học tại phòng thí nghiệm của sinh viên chuyên ngành Tự động hóa công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên).

Trên cơ sở kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố và nhu cầu, tình hình thực tiễn, ĐHTN cùng các trường, đơn vị thành viên đã xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, đảm bảo quy định và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với thí sinh.

Theo đó, năm 2024, ĐHTN tuyển sinh theo 7 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ); xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; xét tuyển theo đề án tuyển sinh của các đơn vị đào tạo; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội và xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT). 

Đây là năm đầu tiên ĐHTN tổ chức các kỳ thi xét tuyển theo kết quả đánh giá đầu vào đại học trên máy tính. Nội dung thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành; khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11; ngân hàng câu hỏi thi được xây dựng theo quy trình khoa học, áp dụng các lý thuyết và kỹ thuật hiện đại của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục, bảo đảm có độ tin cậy... Các đơn vị đào tạo của ĐHTN dự kiến dành từ 5-15% tổng số chỉ tiêu cho phương thức này.

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Nam, Trưởng Ban Đào tạo và Quản lý người học, ĐHTN: Thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính là kỳ thi độc lập, thí sinh biết điểm thi ngay khi kết thúc môn thi. Kết quả bài thi thể hiện được chi tiết điểm mạnh, điểm yếu của thí sinh để hỗ trợ chọn ngành học phù hợp, cũng đảm bảo khách quan, bảo mật, hiệu quả, với mục đích tuyển chọn được người học có phẩm chất, năng lực học tập đáp ứng yêu cầu đào tạo theo từng trình độ.

Quy trình tổ chức thi, tạo đề thi được thực hiện ngẫu nhiên qua hệ thống phần mềm. Với phương thức tuyển sinh này, thí sinh được thi nhiều môn và tham gia nhiều đợt thi, được sử dụng tổ hợp môn, kết quả của lần thi có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể lựa chọn thời gian thi thoải mái nhất, thoát khỏi áp lực của một kỳ thi quan trọng duy nhất trong năm...

Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (TP. Thái Nguyên) tập trung ôn luyện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2024.
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (TP. Thái Nguyên) tập trung ôn luyện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2024.

Ưu điểm nữa của Kỳ thi V-SAT là: Thí sinh được công nhận và sử dụng chung kết quả thi V-SAT giữa ĐHTN và Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Ngân hàng. Bởi các trường đã cùng ký kết thỏa thuận với Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức, công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT.

Thí sinh có thể lựa chọn ít nhất 3/7 môn thi tùy thuộc vào nguyện vọng xét tuyển theo các khối ngành của đơn vị tuyển sinh và có thể lấy kết quả của từng môn thi ở các đợt thi khác nhau trong năm 2024 của các đơn vị tổ chức thi V-SAT để làm kết quả xét tuyển vào các khối ngành của đơn vị tuyển sinh.

Trong kỳ tuyển sinh năm 2024, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học, phù hợp với xu thế phát triển, ĐHTN đã mở mới các chương trình, ngành đào tạo, trong đó có nhiều ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật. Bên cạnh đó, các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ - thông tin, ngôn ngữ, sư phạm, chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực kinh doanh quản lý... vẫn là các lĩnh vực đào tạo và thế mạnh của ĐHTN trong nhiều năm qua, thu hút số đông thí sinh trong khu vực và trên cả nước.

Chưa đầy hai tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra. Thời điểm này, các em học sinh đang tập trung ôn tập, đồng thời cũng nghiên cứu phương án tuyển sinh để lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. ĐHTN và các trường thành viên đang công khai đề án tuyển sinh; đẩy mạnh truyền thông, tư vấn và giới thiệu để các bậc phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn về các lĩnh vực, ngành đào tạo.

Với chất lượng đào tạo, thế mạnh của một đại học vùng, cùng với phương thức tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, ĐHTN sẽ đạt kết quả cao trong công tác tuyển sinh, tiếp tục giữ vững và mở rộng quy mô đào tạo.

Kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) có tính phân loại cao; phù hợp với xu thế hội nhập và các yêu cầu đào tạo tiên tiến trên thế giới.

- Kỳ thi sẽ được tổ chức 4 đợt:  Đợt 1: ngày 1, 2-6; Đợt 2: ngày 6, 7-7; Đợt 3: ngày 27, 28-7 và Đợt 4: ngày 24, 25-8.

- Hình thức thi: Thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính, gồm 7 môn: Toán, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.

- Thời gian làm bài mỗi môn 60 phút, riêng môn Toán 90 phút.

- Mỗi đề thi có 25 câu hỏi, đề thi có 3 dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan, gồm: Câu trắc nghiệm đúng/sai; câu trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi (ghép hợp); câu trắc nghiệm trả lời ngắn.

- Tổng điểm mỗi bài thi là 150 điểm. Để đạt điểm tối đa, thí sinh phải trả lời đầy đủ và đúng 85 tiểu mục câu hỏi thi. Đối với dạng thức câu hỏi đúng/sai và ghép hợp, mỗi câu hỏi có 4 tiểu mục; trả lời đúng mỗi tiểu mục sẽ được 1,5 điểm. Đối với câu hỏi trả lời ngắn, mỗi câu trả lời đúng được 6 điểm.