Ngày 3/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2023. Hội nghị thu hút đông đảo đại diện các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước đánh giá, nhìn nhận lại những kết quả tuyển sinh năm 2022 và bàn những giải pháp thực hiện công tác tuyển sinh năm 2023 sao cho công bằng, hiệu quả.
Quang cảnh Hội nghị. |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực. Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.
Các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các trường tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.
Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các trường điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh. Kết quả, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 đạt 83,39% so với chỉ tiêu. Trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở (58,67%) có tỷ lệ nhập học đạt hơn 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Tuy nhiên, một số trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; trong khi một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học. Đáng chú ý, một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến…
PGS,TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết, thống kê trong ba năm qua bốn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất (Nông lâm nghiệp và thủy sản tuyển đạt 49,10%; Khoa học sự sống tuyển đạt 57,92%; Khoa học tự nhiên tuyển đạt 59,43%; Dịch vụ xã hội tuyển đạt 61,36% chỉ tiêu). Các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do một số nguyên nhân: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hằng năm tăng… Bên cạnh đó, các trường gọi thí sinh xét tuyển sớm khi chưa tốt nghiệp THPT là không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh.
Năm 2023, công tác tuyển sinh về cơ bản sẽ giữ ổn định, tiếp tục thực hiện theo Quy chế tuyển sinh 2022, tuy nhiên năm 2023, các cơ sở đào tạo cần ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hóa quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đơn giản hóa để thí sinh tránh tối đa nhầm lẫn phương thức xét tuyển.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện chính sách; phối hợp bộ, ngành liên quan để Nhà nước có cơ chế đặt hàng đào tạo một số ngành. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; kết nối cơ sở dữ liệu, hướng dẫn cơ sở đào tạo, trường phổ thông làm tốt công tác hướng nghiệp, tuyển sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát…
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, công tác tuyển sinh được đổi mới những năm qua, nhất là giai đoạn từ năm 2015-2016 đến nay công tác tuyển sinh ngày càng đi vào ổn định, công bằng và thuận lợi. Tuy nhiên, mỗi năm, bên cạnh kết quả đạt được thì công tác tuyển sinh vẫn có những sai sót, bất cập cần nhìn nhận thấu đáo. Vì một bất cập, sai sót nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống. Vì vậy, từ khâu xác định chỉ tiêu đến phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, phần mềm tuyển sinh, nhập học… sẽ được bàn bạc để từ đó thống nhất giải pháp khắc phục, bảo đảm công tác tuyển sinh công bằng, thuận lợi, hiệu quả…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin