Hiện nay, các trường đại học trên cả nước đang tích cực triển khai các bước thực hiện công tác tuyển sinh năm 2023. Kỳ tuyển sinh năm nay có một số thay đổi, tạo thuận lợi cho thí sinh và phù hợp với mục tiêu đào tạo của mỗi trường.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Phenikaa, năm 2023. |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, ngoài những ưu điểm đạt được, quá trình tuyển sinh còn nhiều bất cập khi các cơ sở đào tạo sử dụng quá nhiều phương thức để xét tuyển gây nhiễu thông tin cho thí sinh. Nhiều phương thức xét tuyển không có thí sinh đăng ký hoặc trúng tuyển rất ít; không bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Đối với thi sính còn nhầm lẫn khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên; nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển; trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký xét tuyển trên hệ thống; trúng tuyển không xác nhận nhập học… Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường hoàn thiện đề án, nhất là hoàn thiện các phương thức xét tuyển, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Thực hiện việc điều chỉnh tuyển sinh, năm 2023, phần lớn các trường đại học đã sớm đưa ra giải pháp tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Trường đại học Phenikaa năm 2023 tuyển 7.668 chỉ tiêu của 41 ngành đào tạo. Theo Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, năm nay số lượng phương thức xét tuyển của trường giảm từ năm, xuống còn ba phương thức gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT. Trường không sử dụng phương thức lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi đánh giá tư duy như những năm trước nhằm giúp thí sinh tránh bị động, lúng túng trong xét tuyển. “Việc rút gọn còn ba phương thức xét tuyển giúp thí sinh có được những lựa chọn tối ưu” - PGS, TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ. Đáng chú ý, trong xét tuyển thẳng, đối tượng hai của Trường đại học Phenikaa phải có các chứng chỉ IELTS, TOEFL, SAT, ACT… và điểm tổ hợp xét tuyển đạt từ 23 điểm trở lên.
Trường đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh 6.200 chỉ tiêu theo ba phương thức: xét tuyển thẳng (2%), xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (25%); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (73%). Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Kinh tế quốc dân), PGS, TS Bùi Đức Triệu chia sẻ, điểm mới trong tuyển sinh của trường là giảm tỷ lệ xét tuyển lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trường sẽ giảm từ 35% (năm 2022), xuống còn 25% (năm 2023); trong khi đó, tỷ lệ xét tuyển theo phương thức kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy…) tăng đáng kể. Điểm mới nữa trong tuyển sinh của trường là sẽ không tuyển thẳng thí sinh đạt học sinh giỏi nhất, nhì, ba cấp tỉnh bởi những thí sinh này trong quá trình xét tuyển có sự trùng lặp với thí sinh xét tuyển tốt nghiệp THPT. Cũng theo PGS, TS Bùi Đức Triệu, để đạt kết quả tốt khi đăng ký xét tuyển, thí sinh nên đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là kỳ thi đã được tổ chức qua một số năm, bài bản, bảo đảm chất lượng tốt phục vụ công tác xét tuyển thí sinh không phải đi ôn luyện.
Sinh viên trúng tuyển, nhập học Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2022. |
Trường đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; thi tuyển; kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Nhà trường cũng có những phương án nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và phù hợp với yêu cầu ngành nghề. GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các cơ sở đào tạo khác đã làm rất tốt. Tuy nhiên, không có một phương thức nào tốt tuyệt đối, mỗi phương thức đều có ưu điểm và nhược điểm. Vì vậy, Trường đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với phương thức riêng thích hợp với việc tuyển sinh của nhà trường và cho một số cơ sở đào tạo khác.
Điểm khác trong kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội là thí sinh phải qua hai phần thi trắc nghiệm và tự luận trong cấu trúc đề thi (Kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy của các trường khác chỉ có trắc nghiệm). Phần trắc nghiệm liên quan đến thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. “Do đặc thù của khối ngành sư phạm nên bài thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội có cả phần tự luận. Thí sinh giỏi nhưng để trở thành một nhà giáo thì cần biết trình bày; hiểu và giảng giải cho người khác hiểu” - GS, TS Nguyễn Văn Minh phân tích.
Theo đại diện các trường, các chuyên gia giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giữ ổn định quy chế tuyển sinh, hướng dẫn các trường hoàn thiện phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh. Quá trình tổ chức tuyển sinh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung theo hướng đơn giản hóa, tạo ra sự chuyển biến lớn trong công tác tuyển sinh. Đối với các trường, cần sớm tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh; hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, giảm sai sót, nhầm lẫn. Các trường rà soát phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ phương thức gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối.
Ngày 1-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lịch Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ngày 27-6 làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29-6 tổ chức coi thi; ngày 30-6 dự phòng. Cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các đề thi tham khảo của các môn Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Đây được xem là căn cứ quan trọng để định hướng ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin