Tuyển sinh vào Đại học Thái Nguyên: Ổn định phương thức, cải tiến kỹ thuật

Hằng Nga 10:23, 13/03/2023

Mùa tuyển sinh (TS) đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2023 đang đến gần. Nhiều phương thức TS khác nhau được các trường sử dụng. Đối với Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), đề án TS đang được gấp rút hoàn thiện theo quan điểm sẽ giảm tổ hợp xét tuyển, tạo điều kiện cho thí sinh…

Giờ thực hành chuyên sâu điện tử trên ô tô của lớp K55, Khoa Kỹ thuật ô tô và Máy động lực, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp.
Giờ thực hành chuyên sâu điện tử trên ô tô của lớp K55, Khoa Kỹ thuật ô tô và Máy động lực, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp.

Giảm tổ hợp xét tuyển

Năm 2022, trong bối cảnh thách thức, áp lực cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học ngày càng lớn, ĐHTN và các trường thành viên đã có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động và linh hoạt, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các kênh truyền thông và tư vấn TS đa dạng.

Kết quả, điểm trúng tuyển năm 2022 về cơ bản cao hơn so với năm 2021. Tổng số thí sinh trúng tuyển vào ĐHTN là 11.961 (trong đó có 10.752 sinh viên hệ đại học, 1.076 cao đẳng, trung cấp 133 học sinh), đạt 76,45% chỉ tiêu. Quy mô đào tạo các trình độ và loại hình đào tạo của ĐHTN tăng hơn 4.000 sinh viên so với năm 2021.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐHTN: Công tác TS ĐH, CĐ năm 2023 cơ bản ổn định, nhưng có một số điểm mới đó là Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tổ chức xét tuyển ĐH sớm hơn để sinh viên có thể nhập trường vào khoảng tháng 9-2023; thí sinh chỉ cần đăng ký mã ngành xét tuyển, phần mềm sẽ lọc ảo và xác định trúng tuyển cho người học. Điểm mới thứ ba là Bộ Giáo dục – Đào tạo tích hợp phần mềm TS trên phần mềm quản lý chung. Và điểm mới thứ tư là từ năm nay điểm ưu tiên cho thí sinh sẽ thay đổi ở mốc là khi thí sinh thi 3 môn có tổng điểm từ 22,5 trở lên thì điểm ưu tiên sẽ giảm dần, theo công thức tính này, trong mọi tình huống thí sinh đều không vượt quá 30 điểm.

Về phía ĐHTN, đề án TS đang được xây dựng chung từ các trường thành viên. Quan điểm của ĐHTN là sẽ giảm tổ hợp xét tuyển để tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

ĐHTN đã tập trung rà soát giữa các tổ hợp xét tuyển so với ngành đào tạo xem có phù hợp hay không. Năm 2022, trong số 5 phương thức xét tuyển vào ĐHTN có xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế số thí sinh nhập học theo phương thức này rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học. Vì thế, năm 2023, ĐHTN sẽ không sử dụng phương thức xét tuyển này vì chưa hiệu quả.

Chỉ tiêu tuyển sinh giữ ổn định

Năm 2022, ĐHTN TS 135 ngành đào tạo trình độ ĐH với 12.540 chỉ tiêu và 29 ngành đào tạo trình độ CĐ với 1.420 chỉ tiêu. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Công: Chỉ tiêu TS năm nay của ĐHTN dao động từ 13.000 đến 14.000 - cơ bản giữ ổn định. Năm nay, ĐHTN có chủ trương điều chỉnh để sử dụng nguồn lực chung trong đại học vùng nhằm xác định chỉ tiêu TS. Vì vậy một số ngành như ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ tiếng Trung Quốc chỉ tiêu có thể tăng một chút.

Hiện ĐHTN đào tạo gần 200 ngành đại học. Hằng năm, ĐHTN đều tổ chức rà soát khả năng TS của các ngành trong vòng 5 năm vừa qua và xác định ngành nào TS thấp thì có thể sẽ phải đóng ngành. Đơn cử như năm 2022, độ chênh lệch kết quả TS của các ngành rất cao, các ngành khoa học cơ bản, nông lâm nghiệp rất ít thí sinh đăng ký.

Bên cạnh đó, nhiều ngành của một số cơ sở đào tạo không có thí sinh trúng tuyển hoặc trúng tuyển rất ít. Tổng số thí sinh trúng tuyển vào các ngành của một số trường chỉ đạt ở mức rất thấp: Trường Đại học Khoa học (56,7%), Trường Đại học Nông Lâm (27,92%), Khoa Quốc tế (30%).

Theo ý kiến của cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo của ĐHTN, việc các trường đại học mở ngành, đóng ngành là chuyện bình thường. Đây cũng là phù hợp với thị trường lao động và là tình trạng chung của toàn quốc. Những ngành như: Công nghệ thông tin, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn và một số ngành kinh tế, tự động hóa, điện tử viễn thông thì khả năng TS rất tốt.

Trong chiến lược, ĐHTN đang định hướng phát triển một số chương trình đào tạo trọng điểm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. “ĐHTN chủ trương phát triển 3 nhóm ngành chính đó là: Nhóm ngành chuyên biệt - những ngành mang tính vùng miền cho các tỉnh trung du miền núi phía Bắc; nhóm ngành đại trà đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho khu vực và cả nước; nhóm ngành trọng điểm chất lượng cao. Hiện nay, Hội đồng ĐHTN đang rà soát để chọn một số ngành trọng điểm chất lượng” - PGS.TS Nguyễn Hữu Công thông tin thêm.



Tuyển sinh ngành an ninh mạng Đại học Duy Tân bài writing ielts mẫu