Về đích nông thôn mới (NTM) năm 2018 và NTM nâng cao năm 2021, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) đã có hệ thống giao thông nông thôn tương đối hoàn chỉnh. Vận động làm đường đã khó, nhưng quản lý, sử dụng đường hiệu quả còn khó hơn. Để có kinh phí bảo dưỡng thường xuyên, người dân nơi đây đã xây dựng Quỹ giao thông và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này.
Đường làng ngõ xóm trên địa bàn xã Văn Hán luôn được tu sửa, phát quang hành lang, khơi thông cống rãnh. |
Trên địa bàn xã Văn Hán hiện có 14km Tỉnh lộ 269D chạy qua, 13,8km đường liên xã và 78km đường giao thông liên xóm, nội xóm. Những năm qua, hệ thống giao thông nông thôn này được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, hệ thống đường liên xóm, nội xóm sau khi được đầu tư xây dựng, bàn giao cho UBND xã quản lý thì việc duy tu, bảo trì hầu như chưa được quan tâm do không có nguồn kinh phí. Bởi vậy, một số tuyến đã bị xuống cấp nhanh, tuổi thọ công trình giảm.
Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán, chia sẻ: Địa phương luôn trăn trở tìm giải pháp để cùng với việc đầu tư mới cần phải duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông hiện hữu. Và rồi, Quỹ giao thông ra đời, phục vụ trực tiếp cho quyền lợi của người dân.
Để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng việc bảo trì hệ thống đường giao thông và tự giác tham gia tích cực vào công việc này, các tổ chức chính trị - xã hội của xã tăng cường tuyên truyền, vận động. Sau đó, tại từng xóm, người dân họp, bàn, thống nhất đưa ra mức thu phù hợp với thực tế.
Ông Hoàng Xuân Kỷ, Bí thư Chi bộ xóm Thịnh Đức 1, cho hay: Cả xóm có 158 hộ dân bàn nhau mỗi hộ “bớt đi 1,5kg thịt” góp vào Quỹ giao thông thuê để người phát dọn hành lang, khơi thông cống rãnh, khiến đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp, quang đãng, không phải “hò” nhau đi tổng vệ sinh thường xuyên.
Không riêng Thịnh Đức 1, người dân các xóm: Cầu Mai, Phả Lý, Hoà Khê, La Đùm, Ấp Chè, Vân Hán… cũng họp bàn, đưa vào nghị quyết của xóm triển khai thu Quỹ giao thông với mức đóng góp 200.000 đồng/hộ/năm.
Ông Đoàn Văn Vạn, Trưởng xóm Hoà Khê 1, cho biết: Sau khi có quỹ, các xóm thành lập tổ giao thông do trưởng xóm làm tổ trưởng; ban công tác mặt trận của xóm giám sát công tác thu, chi; hoạt động của tổ giao thông dưới sự định hướng, quản lý của UBND xã. Xã còn hướng dẫn chúng tôi làm các thủ tục thanh quyết toán đúng pháp luật. Mọi vấn đề liên quan đến Quỹ được công khai, minh bạch vào cuối năm để nhân dân biết.
Với tổng số gần 100 triệu đồng từ Quỹ giao thông của 14 xóm, các tuyến giao thông trên địa bàn xã Văn Hán luôn được phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để đảm bảo tầm nhìn; vệ sinh, đắp bù phụ phần lề đường còn thiếu; nạo vét hệ thống cống rãnh, kênh mương đảm bảo dòng chảy được thông suốt; san lấp “ổ gà”…
Nguồn quỹ này được ưu tiên dùng cho những tình huống cấp bách như sụt sạt, lở đường do mưa lũ... Mỗi khi có sự cố hỏng hóc, sạt lở tuyến đường nào, người dân kịp thời báo tin và xóm có kế hoạch sửa chữa. Sau khi sửa chữa, chính quyền xã kiểm tra, nghiệm thu.
Ông Lý Văn Hồng, người dân xóm Thịnh Đức 1, cho biết: Cống rãnh được nạo vét, khơi thông; cỏ rác được dọn dẹp; chỗ nào hư hỏng được sửa chữa ngay. Vì thế, có những tuyến đường ở Văn Hán được làm hơn chục năm nay nhưng vẫn bền chắc. Bà con cùng chung tay bảo vệ tuyến đường để không bị hỏng, đi lại cho thuận tiện và hiểu rằng đường là đường của mình, đường để phục vụ mình đi lại.
Đi trên những ngả đường nông thôn ở Văn Hán, ai nấy đều phấn khởi bởi nhiều công trình giao thông liên thôn thông thoáng, sạch đẹp được xây dựng, duy tu, bảo dưỡng bằng sức lực và tiền của của người dân nơi đây. Cách làm của Văn Hán đã giúp chính quyền địa phương có thêm nguồn lực để bảo dưỡng thường xuyên các công trình giao thông nông thôn, tăng hiệu quả sử dụng các tuyến đường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin