Đồng bộ giải pháp hạn chế tai nạn giao thông đường sắt

Chung An 11:20, 14/04/2023

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tuyến đường sắt chạy qua, với tổng chiều dài gần 100km. Theo số liệu thống kê, trên các tuyến có hơn 300 lối đi tự mở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế tai nạn.

Công ty CP Đường sắt Hà Thái thực hiện thu hẹp lối đi tự mở tại Km47+920 (thuộc phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên) để đảm bảo an toàn.
Công ty CP Đường sắt Hà Thái thực hiện thu hẹp lối đi tự mở tại Km47+920 (thuộc phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên) để đảm bảo an toàn.

3 tuyến đường sắt chạy qua địa phận Thái Nguyên gồm: Đông Anh - Quan Triều; Kép - Lưu Xá (do Công ty CP Đường sắt Hà Thái quản lý) và Quan Triều - Núi Hồng (do Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam quản lý).

Tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá đã dừng hoạt động, 2 tuyến đường sắt đang hoạt động chủ yếu vận chuyển hàng hóa với tần suất trung bình 2-3 chuyến/ngày. Trên 2 tuyến đang hoạt động hiện có 77 đường ngang, 246 lối đi tự mở, trong đó, tuyến Quan Triều - Núi Hồng có 200 lối đi tự mở.

Những năm trước đây đã xảy ra nhiều vụ va quệt, TNGT đường sắt, phần lớn là tại khu vực có đường ngang, lối đi tự mở. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao.

Trước thực trạng trên, các sở, ngành liên quan của tỉnh phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt đã triển khai nhiều giải pháp, như: Lắp đặt đầy đủ cảnh báo tự động, cần chắn tự động; xử lý lại các lối đi, sơn lại hệ thống biển báo đã bị mờ; kiểm tra, nhắc nhở tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt…

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Thái, cho biết: Chúng tôi đang quản lý 2/3 tuyến đường sắt chạy qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, gồm: Đông Anh - Quán Triều và Kép - Lưu Xá. Để đảm bảo an toàn giao thông, thời gian qua, Công ty thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh những người làm công tác chạy tàu đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời tổ chức rà soát, bổ sung kịp thời các biển báo hiệu giao thông còn thiếu, lập kế hoạch sửa chữa, trám vá những đường ngang bị hư hỏng…

Cùng với đó, Công ty CP Đường sắt Hà Thái còn phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Thái Nguyên, Công an tỉnh, chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua tuyên truyền về an toàn giao thông đường sắt tới người dân thông qua các cuộc họp ở xã, phường, tổ dân phố; phối hợp thực hiện thu hẹp các lối đi tự mở rộng trên 3m có mật độ phương tiện giao thông qua lại đông.

Cụ thể, mới đây, đơn vị đã thực hiện chôn cột bê tông, thu hẹp lối đi tự mở tại các vị trí Km47+920 (phường Phú Xá), Km50+115 (phường Đồng Quang) trên tuyến đường sắt Đông Anh - Quán Triều; lắp đặt rào chắn đường ngang (có người gác), biển báo tại Km46+300 đường sắt Đông Anh - Quán Triều (được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán năm 2023).

Bà Hoàng Thị Hải, người dân ở tổ 8, phường Phú Xá, nói: Tôi sinh sống nhiều năm ở đây nên đã chứng kiến không ít vụ va quệt, TNGT đường sắt. Do vậy, khi đơn vị quản lý lắp đặt các hạng mục và cử người canh gác chúng tôi thấy yên tâm.

Thiếu tá Chu Việt Oanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh), cho biết: Chúng tôi đã chủ động tham mưu ban hành kế hoạch mở các đợt cao điểm, kế hoạch chuyên đề; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng, đơn vị quản lý đường sắt, các địa phương truyên truyền cho người dân về nguy cơ mất ATGT; phân công lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tập trung xử lý các vi phạm…

Từ đầu năm 2022 đến nay, Đội đã phối hợp với 2 đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn thực hiện việc kiểm tra, thu hẹp và đóng cọc bê tông tại 15 lối đi tự mở trên các tuyến; thực hiện cho ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông đối với tất cả cán bộ, công nhân viên lái tàu… Do vậy, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn không xảy ra vụ TNGT đường sắt nào.

Thời gian tới, Đội sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra, rà soát việc thực hiện kế hoạch lộ trình thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở theo chỉ đạo của cấp trên; tổ chức rà soát, bổ sung kịp thời các biển báo còn thiếu, lập kế hoạch sửa chữa, trám vá những đường ngang bị hư hỏng…