Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn

N.K 08:17, 07/04/2023

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần không có “vùng cấm” trong việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Điều này tạo ra hiệu ứng tích cực, góp phần từng bước xây dựng văn hóa giao thông, kéo giảm tai nạn và các hệ lụy xã hội khác.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Trong quý I năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện hơn 420.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 890 tỷ đồng. Riêng vi phạm nồng độ cồn đã xử lý hơn 99.000 trường hợp, tăng 53,3% số trường hợp và tiền phạt tăng 49,8% so với cùng thời gian trước liền kề.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, những tháng đầu năm cũng có gần 2.500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị xử phạt vi phạm hành chính. Đáng chú ý là lực lượng chức năng đã gửi 760 phiếu xác minh trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn. Việc xử lý quyết liệt các vi phạm, trong đó có quy định về nồng độ cồn đã góp phần kéo giảm tai nên giao thông trên cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và người bị thương.

Từ lâu này, cụm từ “đã lái xe không uống bia, rượu” là khẩu hiệu phổ biến, dễ dàng bắt gặp khi ra đường. Tuy vậy, việc chấp hành quy định với một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn bị xem nhẹ. Sử dụng bia, rượu trong những lần gặp mặt, liên hoan, vào những dịp lễ, tết hay sự kiện quan trọng đã trở thành thói quen, thậm chí là “nét văn hóa đặc trưng” trong ẩm thực của một số người. 

Điều này không dễ thay đổi. Nhưng, đã uống bia, rượu vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vi phạm quy định pháp luật, tiềm ẩn, gián tiếp hoặc trực tiếp gây tai nạn giao thông cho bản thân và cộng đồng là hành vi cần phải loại bỏ.

Một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề này là việc xử lý nghiêm minh nhũng trường hợp vi phạm. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định mức xử phạt hành chính cao hơn nhiều so với trước và cấm tuyệt đối việc có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, kể cả với phương tiện thô sơ.

Các lực lượng chức năng cũng liên tục tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên nhiều tuyến đường, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Không còn chuyện du di, nhờ người quen biết giúp đỡ hay “vùng cấm”, mọi vi phạm khi phát hiện đều bị xử lý.

Hiệu quả của việc tăng cường kiểm tra và xử lý quyết liệt đã được chứng minh trên thực tế. Nhất là số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe vi phạm nồng độ cồn đã giảm rõ rệt. Tất nhiên, vẫn còn không ít trường hợp chấp hành quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông mang tính đối phó, tìm cách né các chốt kiểm soát.

Với việc vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng cùng các biện pháp tuyên truyền phù hợp chắc chắn tình trạng này sẽ dần hạn chế. Nhiều người bắt đầu hình thành thói quen, nếp văn hóa tham gia giao thông khi đã uống bia, rượu là không lái xe để an toàn cho chính bản thân, cũng là hạnh phúc của mọi nhà và cộng đồng xã hội.