Gạo chuyển đổi gien: Nên hay không?

08:42, 21/11/2007

Năm 2006: Thế giới có 10,3 triệu nông dân canh tác 102 triệu ha cây lương thực biến đổi gien (GM) ở 22 nước. 90% trong số đó là những nông dân nghèo ở các nước đang phát triển.

Sáu nước có diện tích cây GM lớn nhất là Mỹ (54,6 triệu ha, chiếm 53% diện tích cây GM toàn cầu), tiếp theo sau là Argentina, Brazil, Canada, Ấn Ðộ, Trung Quốc. Diện tích cây GM đã tăng gấp 60 lần kể từ 1996, khi cây GM bắt đầu được thương mại hóa.

Năm nay ước tính, thế giới sản xuất 633 triệu tấn gạo, trong 20 năm tới sản lượng gạo vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu con người. Mỗi năm ngành công nghiệp lúa gạo có thêm một triệu khách hàng mới, như vậy cần có thêm 200 triệu tấn gạo so với hiện nay. Ðể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của số này, thêm vào đó là hơn 800 triệu người hiện đang đói, sản xuất lương thực phải tăng gấp đôi trong vòng 40 năm tới. (Theo Hiệp hội châu Âu về Công nghiệp sinh học Europa Bio).

Những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu khiến sản xuất lương thực toàn cầu thêm căng thẳng. Thêm vào đó, 40% lương thực hằng năm mất mát do sâu bệnh, hạt giống và các lý do khác, Công ty Syn-gen-ta cho biết. Với những ưu điểm nổi bật: năng suất cao, nhiều vitamin và muối khoáng, không bị mất mùa... cây lương thực chuyển gien (GM) có vẻ là giải pháp hiển nhiên đối với những vấn đề về tăng dân số, thay đổi điều kiện khí hậu và suy dinh dưỡng...

Dinh dưỡng cao hơn, thân thiện với môi trường hơn

Không chỉ vậy, có thể chăm sóc lúa GM để hạt gạo đạt giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều lần bình thường. (Theo Mạng Lúa Vàng, một tỷ phụ nữ mang thai ở châu Á trong tình trạng thiếu sắt, hai tỷ người thiếu kẽm, 250 nghìn trẻ con thiếu vitamin A). Hãng thông tấn Philippines cho biết, Viện Nghiên cứu lúa gạo Philippines phát triển một giống lúa gọi là lúa "ba trong một" tập hợp vitamin A, kẽm và sắt.

Lúa Vàng của Công ty Syngenta giàu beta-carotene có thể giải quyết vấn đề thiếu vitamin A, nhờ đó một số người cho rằng có thể ngăn ngừa bệnh mù lòa. Lúa Vàng nguyên gốc được Syngenta bán ra thế giới vào năm 2000, và gần đây được cải tiến thành "Lúa Vàng 2" hiện có hàm lượng beta- carotene cao gấp 23 lần so với trước kia. Các nhà khoa học thử nghiệm giống lúa này nói chỉ cần 200 gam gạo sẽ cung cấp đủ lượng vitamin A cho con người trong ngày.

Cây trồng GM thân thiện với môi trường hơn cây trồng truyền thống. Một nghiên cứu do Dịch vụ quốc tế dành cho ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) nói rằng tác động của nông dân Mỹ, Canada và Argentina năm 2005 trồng hạt giống GM tương đương với loại bỏ bốn triệu xe hơi trên đường, ngăn ngừa chín tỷ kg các-bon đi-ô-xít giải phóng vào khí quyển. Lý do là nông dân canh tác cây trồng này không cần cày xới đất để trừ cỏ dại, có nghĩa là các chất hữu cơ không bị thải ra khí quyển, phát tán khí ga gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình đó (theo tạp chí New Scientist).

Nguy cơ khó lường

Nhưng trước tất cả những hứa hẹn của gạo GM, những tổ chức phi chính phủ (NGO) hàng đầu về môi trường của thế giới như Hòa bình xanh, WWF và Bạn của Trái đất đơn giản chưa bị thuyết phục. Canh tác nông nghiệp truyền thống vẫn chiếm ưu thế, vì nông dân phải lựa chọn loại lúa đã thành công trong nhiều thế kỷ để trồng trọt. Hiện có tới 140.000 giống lúa đang được canh tác mà không bị biến đổi gien.

Những người phản đối nói không ai biết ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người của gạo GM là gì, và sử dụng hạt giống GM dẫn tới việc nông dân bị buộc phải mua hóa chất do các công ty bán hạt giống sản xuất. Tổ chức Hòa bình xanh nói rằng hóa chất là không cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn đầu của thời kỳ tăng trưởng. Theo tổ chức này, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế ở Philippines giảm sử dụng thuốc diệt côn trùng tới 95% trong thời gian từ 1993 đến 2003 mà không ảnh hưởng đến sản lượng và một nghiên cứu sâu hơn phát hiện ra 80% thuốc phun trừ vật hại sử dụng ở Philippines là không cần thiết.

Sau đó có những mối quan ngại về việc đưa những gien ngoại lai vào lúa gạo. Chẳng hạn, Lúa Vàng được phát triển bằng đưa vào hai gien từ cây thủy tiên hoa vàng, trong khi những giống lúa gạo mới được Mỹ chấp thuận thử nghiệm lại mang gien người.

Hơn nữa điều gì sẽ xảy ra khi lúa GM làm hỏng những loại khác không phải GM.
Năm ngoái, một giống lúa Mỹ do Bayer CropScience đưa ra không được chấp nhận sử dụng cho con người, đã bị rò rỉ vào dây chuyền lương thực toàn cầu, bởi những hạt giống bất hợp pháp đã được bán ở Trung Quốc.

Theo Hãng tin Reuters, Bayer đã bị nông dân kiện vì cây trồng của họ đã bị làm hỏng. Nhà chế biến gạo lớn nhất thế giới Ebro Puleva ngay lập tức thông báo họ sẽ dừng mua gạo Mỹ, EU và Nhật tuyên bố cấm nhập khẩu gạo từ Mỹ và giá gạo tăng kịch trần. Từ đó, theo tổ chức Hòa bình xanh, trong thắng lợi vang dội của phong trào phản đối GM, 41 công ty gạo trên khắp thế giới đã từ chối gạo GM.


Những nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái-lan và Việt Nam, chiếm gần 50 % xuất khẩu gạo toàn cầu, vẫn cấm thương mại hóa gạo GM.


Vấn đề tranh cãi


Vấn đề của gạo GM đã trở nên rắc rối đến mức thậm chí đồng sáng lập của tổ chức Hòa bình xanh đã chỉ trích NGO trên tờ The American: "Gạo Vàng thật sự có thể cung cấp cho tình trạng thiếu vitamin A. Bên cạnh đó, làm giảm đau đớn cho trẻ em và trong nhiều trường hợp cứu nhiều người khác.

Tổ chức Hòa bình xanh đánh giá những phát hiện này không với quan điểm khoa học mà theo kiểu hư cấu mang phong cách Hollywood về "hạt giống chết người". Chiến dịch của họ gợi nên một sự hoàn toàn thiếu tôn trọng đối với khoa học và logic".

Tổ chức Hòa bình xanh lại cãi rằng đây không phải là phản khoa học hay phản công nghệ sinh học, và xúc tiến việc sử dụng những công nghệ như MAS (Marker - Assisted Selection) cho phép các nhà khoa học trồng những ngũ cốc có sức đề kháng sâu bệnh hay sống trong thời tiết xấu bằng cách nhận diện gien nào có trách nhiệm cho khả năng chống chịu của cây trồng sau đó trồng xen canh liên tục nhằm loại trừ những di truyền không mong muốn đến khi cây trồng mong muốn được tạo ra.

WWF nói rằng phương pháp tăng cường khả năng chống chịu của lúa (SRI) có thể tiết kiệm "hàng tỷ mét khối" nước một ngày (ít hơn 40% so với cách thức truyền thống), trong khi tăng sản lượng hơn 30 %.

WWF cho biết Ấn Ðộ đã dành 20 triệu ha đất canh tác theo phương pháp này. "Ðất nước này có thể đáp ứng nhu cầu lương thực 220 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2012 thay vì năm 2050". Và nếu phương pháp này được thực hiện, nó không chỉ tiết kiệm nước và mang lại an ninh lương thực, nó cũng giúp những cánh đồng lúa SRI không tỏa ra khí mêtan như môi trường canh tác lúa truyền thống.