100% virus mới xuất hiện trong tháng 3 có xuất xứ từ nước ngoài

09:42, 26/03/2008

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm mạng Bkis, 1.493 virus mới được đơn vị này cập nhật trong tháng 3 đều có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó nhiều nhất là các virus xuất xứ từ Trung Quốc, Mỹ, Ukraine và Nga.

Cũng theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkis thì trong năm 2007, trong số 6.752 virus mới xuất hiện tại Việt Nam chỉ có 14 virus xuất xứ từ Việt Nam (chiếm 0,2 %).

Cũng theo ông Quảng, với môi trường Internet, sự phát tán của virus hiện nay không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các quốc gia. Người sử dụng ở Việt Nam hay ở một nước nào khác cũng đều phải đối mặt với những nguy cơ về virus như nhau, bất kể virus xuất xứ từ đâu trên thế giới. Chính vì vậy, để phòng chống virus hiệu quả, người sử dụng cần lựa chọn phần mềm diệt virus có khả năng cập nhật kịp thời nhất những mẫu virus mới xuất hiện.

Trong tháng 3/2008, số máy tính bị nhiễm virus ở Việt Nam là 3.829.000; Số virus mới xuất hiện trong tháng là 1.493; Số virus xuất hiện trung bình trong 1 ngày là 49,77; Virus lây lan nhiều nhất trong tháng là W32.VetorL.PE - Lây nhiễm 40.800 máy tính. Trong tháng 3/2008 cũng có 95 website Việt Nam bị hacker trong nước và nước ngoài xâm nhập, kiểm soát.

Virus chèn banner tiếng Trung Quốc Dashfer vẫn lây tràn lan trong hệ thống mạng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại Việt nam. Nếu một máy tính trong mạng bị nhiễm Dashfer, các máy tính khác trong mạng đều gặp phải hiện tượng bị chèn banner. Chính vì vậy, không phải máy tính nào có hiện tượng trên cũng là máy bị nhiễm virus. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các quản trị mạng trong việc tìm và khống chế các máy tính bị nhiễm virus trong mạng. Không những thế, máy tính bị nhiễm còn có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình trao đổi dữ liệu của các máy tính khác, đây cũng là một nguy cơ mất an ninh thông tin nghiêm trọng cho các doanh nghiệp.

Theo quan sát của Trung tâm An ninh mạng Bkis, trong tháng 3, liên tiếp xuất hiện lỗ hổng Zero-day của một số phần mềm phổ biến. Sở dĩ, những lỗ hổng này được gọi là Zero-day vì tại thời điểm lỗ hổng được công bố, nhà sản xuất phần mềm chưa kịp đưa ra bản vá lỗi và người sử dụng không được bảo vệ trước những lỗ hổng này.

Điển hình trong số đó là lỗ hổng nghiêm trọng trong phần mềm mail server Mdeamon phiên bản 9.6.4 trở về trước. Đây cũng là phần mềm được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Khai thác lỗ hổng của giao thức IMAP trong Mdaemon phiên bản 9.6.4 trở về trước, hacker có thể chiếm toàn bộ quyền điều khiển máy chủ. Hơn một tuần sau khi lỗ hổng được công bố, nhà sản xuất mới đưa ra bản vá. Hiện tại còn nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam chưa cập nhật bản vá lỗ hổng này, do đó hệ thống mạng vẫn đứng trước nguy cơ bị hacker kiểm soát.