Những năm gần đây, việc ứng dụng năng lượng bức xạ và hạt nhân ở Việt Nam ngày càng nâng cao nhưng chưa xứng với khả năng và nhu cầu của đất nước. Tuy có đóng góp to lớn, nhưng bức xạ cũng là con dao hai lưỡi và là mối đe dọa cho xã hội khi có sự cố xảy ra.
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lê Đình Tiến, phát biểu tại hội thảo về tổ chức ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân, diễn ra ngày 16-17/4, tại Hà Nội.
Chuyên gia Brian Holland đến từ Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật về Hạt nhân của Úc (Ansto) nói, Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần nếu có sự cố xuyên biên giới.
Chuyên gia này đưa ra ví dụ, cách Hà Nội 640km, tại khu Yên Chinh, Trung Quốc đang xây dựng lò phản ứng hạt nhân. Tầm ảnh hưởng tới Hà Nội là xa, nhưng sẽ không còn xa khi có gió mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH-CN cũng cho hay, chúng ta đang hoàn tất các thủ tục để có thể đầu tư nhà máy hạt nhân, cho thấy chủ trương phát triển bức xạ đã được quan tâm. Đây là một vấn đề phức tạp và mới, nên cần phải học hỏi một cách nhanh nhất và áp dụng hiệu quả nhất các kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài.
Hội thảo cho biết, cả nước hiện nay có trên 2000 cơ sở sử dụng nguồn bức xạ, 2.700 máy x-quang, 1960 nguồn bức xạ, 1 lò phản ứng nghiên cứu với công suất 500kW, 9 thiết bị chiếu xạ, 12 khoa xạ trị và 24 khoa y học hạt nhân… Những nguồn bức xạ chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực y tế chẩn-chữa bệnh, công nghiệp, nông nghiệp (nghiên cứu giống mới, đột biến gen), nghiên cứu và đào tạo.
Hội thảo do Cục An toàn bức xạ hạt nhân (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với Tổ chức Khoa học và Công nghệ hạt nhân Úc (ANSTO) tổ chức.
Những sự cố liên quan tới nguồn bức xạ tại Việt Nam - Nguồn phóng xạ bị đánh cắp tại Viện Z181 năm 1990 tại Hà Nội; Tai nạn trên máy Microtron năm 1991 tại Hà Nội; Chiếu xạ quá liều tại khoa xạ trị năm 2000 tại Hải Phòng. |