Sau nhiều lần trì hoãn trong hơn một tháng qua, tàu con thoi Endeavour rốt cuộc đã được phóng lên vũ trụ ngày 15/7, mang theo phi hành đoàn 7 người cùng bộ phận cuối cùng của phòng thí nghiệm Kibo của Nhật Bản đang được xây dựng trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Theo thông báo của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), tàu Endeavour đã được phóng đi từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Mỹ, vào lúc 18h3 (giờ địa phương) ngày 15/7.
Đây là chuyến bay vào vũ trụ lần thứ 127 của NASA và nó được thực hiện đúng dịp kỷ niệm 40 năm con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.
Cũng giống như các lần phóng tàu vũ trụ gần đây của NASA, trong vụ phóng tàu Endeavour lần này cũng xảy ra việc nhiều mảnh xốp cách nhiệt thùng nhiên liệu bên ngoài tàu bong ra trong quá trình cất cánh và va phải thân tàu 2 đến 3 lần.
Phụ trách hoạt động vũ trụ của NASA, ông Bill Gerstenmaier cho biết một số vết xước đã xuất hiện trên bụng tàu sau các vụ va chạm và các kỹ sư của NASA đang tập trung xem xét qua video các sự cố này để tìm biện pháp xử lý.
Dự kiến, tàu Endeavour sẽ lên tới ISS sau 2 ngày và lưu lại đó gần 2 tuần. Phi hành đoàn sẽ giúp 6 nhà du hành đang làm việc trên ISS lắp ghép bộ phận thứ 3 và là bộ phận sau cùng của hành lang được thiết kế cho phòng thí nghiệm Kibo Nhật Bản. Hai bộ phận trước đã được mang lên ISS trong các chuyến bay năm 2008.
Theo ước tính ban đầu, chi phí xây dựng phòng thí nghiệm Kibo mất khoảng 1 tỷ USD, song chi phí thực tế đã lên tới 2,4 tỷ USD.
Đây sẽ là lần đầu tiên ISS có số nhà du hành vũ trụ lưu lại ISS đông nhất từ trước tới nay: 13 người bao gồm 6 người đang ở ISS và 7 người thuộc phi hành đoàn trên Endeavour.
Theo kế hoạch, các nhà du hành sẽ thực hiện 5 lần đi bộ ra ngoài khoảng không và một nhà du hành Mỹ trên tàu sẽ ở lại thay thế một nhà du hành Nhật Bản sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về Trái Đất. Tàu Endeavour cũng mang lương thực cho các nhà du hành trên trạm ISS.
Trong hơn một tháng qua, việc phóng tàu Endeavour đã bị hoãn tới 5 lần do trục trặc kỹ thuật và thời tiết xấu.