Những con vượn tự chế tạo công cụ sau khi xem đoạn video hướng dẫn, ngay cả khi chúng không được xem toàn bộ đoạn phim.
Elizabeth Price, một nhà khoa học của Đại học St Andrews (Scotland), và cộng sự tiến hành thử nghiệm khả năng học hỏi của động vật linh trưởng với một đàn vượn nuôi trưởng thành. Họ chia chúng thành 5 nhóm rồi cho chúng xem một đoạn video quay cảnh một con vượn cắm que vào ống để lấy chùm nho bên ngoài chuồng của nó. Chỉ một nhóm được xem toàn bộ đoạn video, còn 4 nhóm kia chỉ được xem một phần.
"Với video chúng tôi có thể kiểm soát lượng thông tin mà vượn xem, nhờ đó chúng tôi có thể hiểu chính xác chúng cần bao nhiêu thông tin để tự chế tạo công cụ", Price nói.
Sau khi vượn xem video, nhóm nghiên cứu đặt những chùm nho bên ngoài lồng rồi để nhiều que và ống nhựa gần vượn. Kết quả cho thấy những con xem toàn bộ đoạn video thực hiện thao tác lắp ghép nhanh và chính xác hơn so với các con khác.
"Tạo ra công cụ mới từ những thứ sẵn có là hành vi rất hiếm trong thế giới động vật. Chúng từng là hành vi rất quan trọng đối với quá trình phát triển của loài người", Price nhận xét.
Những con vượn không được xem toàn bộ đoạn video vẫn tự mày mò để lắp ghép que với ống nhựa. Khi Price đưa chùm nho lại gần chuồng, các con vật cắm que vào sâu hơn trong ống để giảm chiều dài công cụ. Nhưng khi chùm nho được kéo ra xa hơn, chúng lại kéo que ra để tăng chiều dài công cụ.
"Lũ vượn không hề bắt chước thao tác trong video một cách dập khuôn. Trong trường hợp chùm nho quá gần, chúng rút hẳn que ra khỏi ống và chỉ sử dụng một trong hai thứ để lấy phần thưởng. Hành vi đó cho thấy chúng có lối suy nghĩ linh hoạt để thích nghi với hoàn cảnh", Price kể.
Tuy nhiên, điều khiến Price băn khoăn là người ta hiếm khi nhìn thấy vượn chế tạo công cụ trong môi trường hoang dã. Thử nghiệm cũng cho thấy khả năng học hỏi lẫn nhau của vượn. Nhóm của Price sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm với vượn chưa đến tuổi trưởng thành để tìm hiểu khả năng học tập lẫn nhau của chúng.