40 hộ dân tham gia sản xuất thử giống lúa mới

15:53, 16/09/2010

Ngày 16/9, Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) tiến hành đánh giá kết quả mô hình sản xuất thử, so sánh giống lúa mới vụ mùa 2010.

 

Mô hình này được thực hiện trên diện tích 3ha tại xóm Phú Thái, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) với 40 hộ dân tham gia. Các giống lúa trình diễn gồm 3 loại giống lúa thuần do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chọn tạo là SH2, HT6, TL6; 4 loại giống lúa lai của Trung Quốc do Công ty Giống cây trồng Bắc Ninh phân phối là Du ưu 600, N.ưu 89, Q.ưu 6, Thiên Nguyên ưu 9... Cả 2 loại lúa này bắt đầu cấy từ ngày 24-6, chế độ chăm bón gần như tương đương nhau. Về quá trình sinh trưởng và phát triển, giống lúa thuần TL6 và HT6 có thời gian sinh trưởng ngắn nhất từ 95-100 ngày, giống SH2 là 105-110 ngày; giống lúa lai, Q.ưu có thời gian sinh trưởng ngắn nhất từ 95-100 ngày, N.ưu 89 thời gian sinh trường dài nhất từ 105-110 ngày.

 

Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình, các loại giống trên đều đẻ nhánh khoẻ, chất lượng gạo qua ăn thử thấy ngon. Về khả năng chống chịu sâu bệnh, các giống lúa thuần chống chịu sâu bệnh kém hơn, chống đổ khá, trong khi các giống lúa lai mức độ sâu bệnh nhẹ, khả năng chống đổ tốt. Về năng suất, nhóm lúa thuần, năng suất giống lúa SH2 đạt 220kg/sào, HT6 đạt 190kg/sào, TL6 đạt 180kg/sào; nhóm lúa lai, giống lúa Du ưu 600 đạt cao nhất 260kg/sào, các giống lúa khác đạt từ 210 đến 250 kg/sào. Cả giống lúa thuần và giống lúa lai kể, năng suất đều cao hơn khá nhiều so với giống lúa Khang dân đang được các hộ dân trong xã cấy đại trà, bình quân năng suất lúa Khang dân ở Lương Sơn chỉ đạt 150kg/sào.

 

Sau 1 vụ sản xuất thử, Trạm Khuyến nông thành phố đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT đưa các giống lúa thuần trên vào các vùng quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân; đưa các giống lúa lai có nhiều triển vọng như Thiên ưu 9, N.ưu 89, Du ưu 600 vào sản xuất trình diễn trên diện rộng để tiếp tục đánh giá khả năng thích ứng của các giống với điều kiện đất đai, khí hậu Thái Nguyên.