Đánh giá kết quả mô hình 3 giảm, 3 tăng

17:55, 17/09/2010

Ngày 17/9 Tại xóm Dương, xã Đắc Sơn (Phổ Yên), Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình 3 giảm, 3 tăng, áp dụng kỹ thuật canh tác SRI trong sản xuất lúa. Tham gia hội thảo có các hộ dân thuộc các xã: Minh Đức, Đắc Sơn và thị trấn Ba Hàng, Bắc Sơn.

 

Vụ mùa năm nay, Trạm bảo vệ thực vật huyện Phổ Yên thực hiện mô hình 3 giảm, 3 tăng tại xóm Chiềng và xóm Dương xã Đắc Sơn quy mô 5ha, với 40 hộ nông dân tham gia. Mô hình được áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI đối với giống lúa TH3-3. Qua theo dõi sự sinh trưởng và phát triển lúa trên 2 diện tích: Ô mẫu và cách thâm canh cũ cho thấy: Diện tích thâm canh theo phương pháp SRI làm giảm lượng giống 700g/sào, lượng đạm giảm 2kg/sào,  thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,5 lần phun, tăng lượng Kaly 50%, lượng nước tưới giảm 2 - 3 lần/ vụ.

 

Bên cạnh đó, việc điều tiết nước theo giai đoạn phát triển của cây lúa sẽ làm giảm độ chua, giảm chất độc trong đất, kích thích bộ rễ phát triển, tăng khả năng đẻ nhánh, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, thực hiện theo mô hình SRI chi phí giảm so với cách làm cũ từ 100-150 nghìn đồng/sào. Do vậy, thâm canh lúa theo phương pháp SRI ngoài việc làm tăng năng suất so với cách làm cũ của bà con, phương pháp này còn hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân.

 

Để tiếp tục chứng minh những ưu điểm của việc sản xuất lúa theo phương pháp SRI, vụ Xuân năm 2011, Trạm Bảo vệ thực vật huyện sẽ tiếp tục thực hiện mô hình với diện tích 10ha..