Tranh cãi quanh triển lãm 1.000 con rùa

09:25, 02/10/2010

Cuộc triển lãm 1.000 con rùa quý hiếm do một công ty tư nhân tiến hành gần đây khiến các nhà hoạt động môi trường lo ngại cho số phận của rùa Việt Nam.

  

Triển lãm tiến hành tại Đầm Bông, Hà Nội vào tuần trước. Sau khi đến tận nơi xem triển lãm, các nhà môi trường thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã lên tiếng cảnh báo.

 

Theo ghi nhận của ENV, có khoảng 16 loài rùa bản địa được trưng bày với số lượng khoảng 340 cá thể. Trong số đó, có rùa hộp ba vạch là loài động vật quý hiếm theo quy định bảo vệ của pháp luật. Bên cạnh đó, còn có rùa đầu to, rùa đất lớn, rùa răng, rùa núi vàng, rùa núi viền và rùa Trung bộ, là những loài quý hiếm thuộc nhóm các loài động vật rừng hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.

 

Cũng theo ENV, triển lãm còn có gian trưng bày gần 300 bình rượu ngâm các sản phẩm động, thực vật hoang dã. Một phần nhỏ trong số đó là các bình rượu ngâm rắn, kỳ đà, tê tê (thuộc nhóm các loài động vật rừng hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại) và một bình rượu ngâm tay gấu.

 

 

Hàng trăm động vật nằm trong các bình rượu "quý".  

 

Ông Douglas Hendrie, chuyên gia quốc tế về rùa và cố vấn cao cấp của ENV cho biết, dựa trên độ tuổi cũng như một số dấu hiệu trên mai rùa hoang dã so với rùa nuôi, dễ thấy hầu hết các cá thể rùa tại triển lãm đều được săn bắt từ tự nhiên.

 

"Nạn săn bắt và buôn bán rùa phục vụ chủ yếu cho nhu cầu về thức ăn và thuốc chữa bệnh của người Trung Quốc đã và đang làm suy giảm rất nhiều quần thể rùa ngoài tự nhiên ở Việt Nam”, ông nói.

 

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV, nói: “Nếu chúng ta muốn ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, chúng ta cần quyết liệt hơn nữa để đóng cửa các cơ sở vi phạm pháp luật”.

 

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Ngọc Khôi, TGĐ Tập đoàn thương mại Hà Nội Khanh Anh Trang (KAT), đơn vị tổ chức triển lãm, bác bỏ những thông tin mà ENV đưa ra.

 

Ông Khôi khẳng định KAT không vi phạm pháp luật bởi không phải các cá thể rùa đều có nguồn gốc tự nhiên như ông Douglas Hendrie nói. 

 

Tất cả số rùa trưng bày từ triển lãm của công ty đều đã được cấp phép, ông cho biết. "Do đó Cty không làm gì sai, không vi phạm pháp luật. KAT được cấp trại nuôi, như trại nuôi rùa, gấu nên tổ chức triển lãm. Các sản phẩm rượu cá ngựa, tắc kè, bọ cạp… nằm trong danh mục đăng ký kinh doanh", ông Khôi nói thêm.

 

Về số bình rượu được trưng bày ngâm sản phẩm động vật hoang dã, theo ông Khôi, các loài này có nguồn gốc săn bắn từ các nơi, loài thú bị thương và được tập đoàn đã xin về để cứu hộ. Cứu hộ không thành nên bảo tồn bằng cách ngâm rượu và cồn bảo quản.

 

Trong vòng 15 năm qua, số lượng hầu hết các loài rùa trong tự nhiên của Việt Nam đã giảm đáng kể. Các nhà môi trường cho rằng chúng bị bắt và xuất lậu ra nước ngoài. .

 

Trong số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam, 16 loài được Sách đỏ Thế giới xếp vào mức “Rất nguy cấp” hoặc “Nguy cấp”, 7 loài trong số còn lại xếp vào nhóm “Sắp nguy cấp”. Cụ Rùa ở Hồ Gươm được xếp vào nhóm chịu nguy cơ cao nhất trong số 10 loài rùa nước ngọt trên thế giới.