Cách xử lý rác độc đáo ở Yên Thông

09:05, 25/07/2011

Đoạn đường từ ngã ba Quán Vuông đi vào Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa qua địa phận thôn Yên Thông (xã Bình Yên) cách đây 3 năm từng là nỗi ám ảnh của nhiều người vì rác thải.

Thực tế những năm trước cho thấy do ở thôn Yên Thông có tới 180 hộ dân cư sinh sống và nhiều cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn (như trường học, UBND xã, chợ, ngân hàng, bưu điện…) nên lượng rác thải xả ra rất lớn. Người dân hầu như không có khu vực xả rác riêng cũng không biết cách xử lý rác đúng quy trình, rác thải phải đổ thành từng đống xung quanh tường bao của trường học, thậm chí “xả” xuống các mương nước gây ứ đọng. Cô giáo Ma Thị Hiền, Trường THPT Bình Yên, cho biết: “Người dân địa phương thường xả rác thải ra cống thoát nước của Nhà trường khiến nước bị đọng lại vừa bẩn vừa hôi thối. Nhà trường thường xuyên phải cho học sinh khơi mương, dọn rác nhưng cũng chỉ được mấy hôm là đâu lại vào đấy”...

Rác thải từ các hộ dân cứ “vô tư” tràn ra, cộng thêm việc họp chợ thường xuyên tại khu vực ngã ba trung tâm của thôn khiến rác chất thành đống không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm xấu đi hình ảnh của vùng đất chiến khu xưa.

 

Đầu năm 2008, các cán bộ thôn Yên Thông đã đề xuất dự án “Tập trung rác thải trên địa bàn thôn” lên UBND xã Bình Yên và xin xã quy hoạch cho thôn một khoảnh đất để tập trung và xử lý rác thải. Ngay sau đó xã đã quy hoạch cho thôn diện tích đất rộng 4.200m2 để thực hiện dự án trên. Tuy nhiên, phải đến tháng 10-2010 thì việc đền bù thiệt hại cây cối, hoa màu của nhân dân mới được thôn thực hiện xong để chính thức quản lý diện tích đất này. Bà Nguyễn Thị Luyến, Bí thư Chi bộ thôn Yên Thông cho biết: Bãi rác nằm cách khu dân cư khoảng 1,5km; hiện tại mỗi hộ dân tự nguyện đóng góp 50.000 đồng/tháng để thôn thu gom rác thải rồi vận chuyển về bãi rác chờ xử lý. Hình thức xử lý rác của thôn Yên Thông rất độc đáo: rác thải được thu gom tập trung rồi đổ vào các hố đã đào sẵn. Khi hố rác đầy người dân sẽ tiến hành lấp hố rồi trồng cây lên trên, sau đó lại đào các hố khác để chôn rác. Cứ như vậy diện tích cây xanh sẽ dần thay thế cho những đống rác bốc mùi hôi thối. Kế hoạch sắp tới của thôn là sẽ kết hợp với Trường THPT Bình Yên xây dựng tường ngăn rác với ruộng lúa của nhân dân để việc xử lý rác thực sự hiệu quả.

 

Nhiều người dân ở thôn Yên Thông nhận xét từ ngày có bãi rác các gia đình đã có chỗ để tập kết rác thải, không còn “xả” lung tung nữa. Đường giao thông qua địa bàn thôn sạch sẽ hẳn lên; các mương nước được dọn sạch, không còn tình trạng bị tù đọng bốc mùi hôi thối. Thôn cũng đang xin ý kiến chỉ đạo của xã, của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện để sắp tới sẽ xử lý rác thải bảo đảm đúng quy trình, bởi hiện tại địa phương mới chỉ thu gom rác lại rồi đào hố chôn theo phương thức thủ công...

 

Thiết nghĩ, mô hình bãi rác tập trung như ở thôn Yên Thông cần được xem xét nhân rộng tại nhiều địa phương. Qua đó ý thức tích cực tham gia bảo vệ môi trường sống ngày càng được nâng cao trong mỗi người dân.