Cây biến đổi gene - hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam

09:18, 21/07/2011

 Các giống biến đổi gene trồng thử nghiệm đã chứng minh có thể giúp nâng cao chất lượng cây trồng và cho hiệu quả kinh tế cao.

 Thông tin tại Hội thảo “Triển vọng cây trồng biến đổi gene tại Việt Nam”, do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội cho thấy: Phát triển cây trồng biến đổi gene không chỉ tạo ra cây trồng có khả năng kháng các bệnh virus, vi khuẩn, nấm; kháng chất diệt cỏ, chống chịu điều ngoại cảnh bất lợi mà còn góp phần tạo nên ngành trồng trọt sạch, ít dùng hoá chất.

 

Cây trồng biến đổi gene đã xuất hiện trên thế giới trong suốt 15 năm qua và ngày càng được trồng rộng rãi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Kỹ thuật trồng cây biến đổi gene được cho là đã đóng góp tích cực, giải quyết một số vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, giảm đói nghèo, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Hiện nay, đã có hơn 29 quốc gia trên thế giới trồng cây biến đổi gene, và dự kiến tới năm 2015, con số này sẽ là 40 – phần lớn trong đó là các quốc gia đang phát triển.

 

Nhà kinh tế học người Anh Graham Brookes, tác giả cuốn sách “Cây trồng biến đổi gene: Tác động kinh tế và môi trường toàn cầu 1996 – 2008” chỉ ra rằng, nhờ sử dụng các cây trồng công nghệ sinh học, thế giới đã cắt giảm khoảng 0,39 triệu tấn thuốc trừ sâu và giảm khoảng 17,1% chất độc hại ra môi trường liên quan đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. TS. Leonardo Gonzales, nhà kinh tế nông nghiệp hàng đầu Philippines cho biết, tại Philippines, ngô biến đổi gene đã được cấp phép sản xuất và sử dụng trong thực phẩm, thức ăn gia súc và chế biến.

 

Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gene vẫn còn là một phạm trù mới và gây nhiều tranh cãi. Tuy là nước nông nghiệp, nhưng mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra gần 3 tỷ USD để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do đó, nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, cây biến đổi gene sẽ là một giải pháp quan trọng giúp ngành chăn nuôi Việt Nam có thể khẳng định vị thế của mính trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

 

PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, nếu không có gì thay đổi, bắt đầu từ năm 2012 Việt Nam sẽ chính thức có cây trồng biến đối gene và cây ngô sẽ được “tiên phong”. Kết quả khảo nghiệm giống ngô biến đổi gene trên diện hẹp tại Hưng Yên và Bà Rịa – Vũng Tàu vừa qua đã cho thấy kết quả rất tốt. Các giống biến đổi gene đã chứng minh có thể giúp nâng cao chất lượng cây trồng và cho hiệu quả kinh tế cao.