Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) sắp tổ chức một hội nghị tại Thụy Sĩ trong tuần này để quyết định việc thay thế giờ GMT bằng cách đo thời gian mới.
Đại diện của 190 nước sẽ tham gia hội nghị của ITU tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ để bỏ phiếu về việc thay thế cách đo thời gian hiện nay bằng cách tính thời gian mới, Telegraph đưa tin.
Giờ GMT là giờ mặt trời tại Đài Thiên văn Hoàng gia Greenwich của Anh. Theo quy ước, đài thiên văn này nằm trên kinh tuyến số 0 hay còn gọi là kinh tuyến gốc. Từ năm 1847 tới nay giờ GMT là chuẩn quốc tế về cách đo thời gian. Trên lý thuyết, vào giữa trưa theo giờ GMT, nếu quan sát từ Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, chúng ta sẽ thấy mặt trời nằm ở đường kinh tuyến gốc. Song trên thực tế, địa cầu không xoay đều trong quá trình di chuyển quanh mặt trời và có xu hướng quay chậm dần do lực hút của mặt trăng.
Ngày 1/1/1972, một hội nghị quốc tế về chuẩn đo thời gian quyết định thay GMT bằng Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC). Nhiều đồng hồ nguyên tử trên thế giới - có độ chính xác cao hơn đồng hồ truyền thống - cùng giữ giờ UTC. Giờ UTC chính xác hơn và xấp xỉ bằng giờ GMT, song nhiều chuyên gia cho rằng giờ GMT vẫn được sử dụng phổ biến hơn trên phạm vi toàn cầu.
Cơ quan Khối lượng và Đo lường Quốc tế (BIPM) tại Pháp từng kêu gọi thay giờ GMT và UTC bằng một cách tính thời gian mới dựa trên chuyển động xoay của địa cầu và đồng hồ nguyên tử. Trong khi đó Mỹ đề xuất sử dụng Thời gian Nguyên tử Quốc tế (TAI).
Giờ TAI được đo bằng dao động của các sóng điện từ được phát ra trong quá trình các nguyên tử hoặc phân tử chuyển dịch từ mức năng lượng này sang mức năng lượng khác.