Hiệu quả bước đầu của công nghệ tưới phun nước tự động

09:38, 21/02/2012

Sau gần nửa năm thực hiện, mô hình tưới phun nước tự động trong sản xuất chè tại xóm Quỳnh Hội, xã Trung Hội (Định Hóa) đã chứng tỏ những ưu điểm nổi bật so với hình thức bơm tưới thông thường.

Công nghệ này giúp người dân chủ động và tiết kiệm nguồn nước, hạn chế công lao động, đem lại  hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là trong sản xuất chè vụ đông.

 

Nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là mở ra một hướng mới trong sản xuất và chế biến chè, tháng 9-2011, Ban Chỉ đạo nông thôn mới huyện Định Hóa đã phối hợp với UBND xã Trung Hội xây dựng thí điểm mô hình “Tổ hợp tác sản xuất chè vụ đông có sử dụng công nghệ tưới phun nước tự động” tại xóm Quỳnh Hội, xã Trung Hội. Tham gia Chương trình có 7 gia đình với tổng diện tích chè gần 1ha. Mỗi gia đình được hỗ trợ số tiền 12 triệu đồng (bằng khoảng 50% giá trị đầu tư xây bể chứa nước và mua máy móc, thiết bị). Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng tổ chức tập huấn cho các hộ dân về quy trình lắp đặt, sử dụng công nghệ tưới tự động và đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại vùng chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên). Vì vậy, việc lắp đặt và vận hành hệ thống bơm tưới nước tự động đều được các hộ dân thực hiện thành thục. Sau gần nửa năm ứng dụng, công nghệ này đã chứng minh được những ưu điểm nổi bật so với cách chăm sóc, tưới nước cho chè theo cách thông thường.

 

Đứng trước vườn chè đang lên búp mơn mởn, anh Nguyễn Tất Nan, xóm Quỳnh Hội “khoe” với chúng tôi: “Chỉ 1 tuần nữa thôi là vườn chè hơn 3 sào này sẽ được thu hoạch, ước tính được 30kg chè búp khô. Với giá bán trung bình khoảng 150 nghìn đồng/kg, gia đình tôi sẽ có số tiền gần 5 triệu đồng, nhiều hơn so với thu nhập một lứa chè chính vụ”. Nhận thấy lợi ích từ làm chè vụ đông, anh Nan là người tiên phong ở xóm đăng ký lắp đặt hệ thống bơm phun nước tự động cho vườn chè. Tổng số tiền đầu từ để xây bể và lắp đặt thiết bị là 25 triệu đồng (huyện hỗ trợ 12 triệu đồng). Theo nhẩm tính của anh Nan: Khi sử dụng hệ thống tưới phun nước tự động, mỗi năm, tôi thu hoạch được 2 lứa chè vụ đông nên chỉ cần chưa đến 2 năm là có thể hoàn lại vốn đầu tư ban đầu. Trong khi máy móc, thiết bị có thể sử dụng hàng chục năm.

 

Giống như nhà anh Nan, gia đình ông Nguyễn Duy Trinh đã gắn bó với cây chè được hơn 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên ông được thu hái chè vụ đông. Mặc dù thời tiết năm lạnh và khô hơn so với nhiều năm trước nhưng nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên vườn chè của ông vẫn tủa búp tươi tốt. Ông Trinh phân tích: Hệ thống phun tưới nước được cấu tạo gồm 3 bộ phận là: bể chứa cung cấp nước, hệ thống ống dẫn và các vòi tưới phun mưa. Nước được dẫn trực tiếp đến hệ thống vòi phun qua đường ống nên đã giảm thiểu tối đa việc thất thoát nước, duy trì được độ ẩm thường xuyên và hạn chế tối đa xói lở đất. Hệ thống được lắp cố định nên đã khắc phục được nhược điểm là làm gẫy, dập búp chè trong quá trình di chuyển đường ống như cách bơm tưới thông thường. Ngoài ra, đây là hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, người dùng chỉ việc đóng mở nguồn điện nên hoàn toàn không mất công lao động.

 

Cùng với sử dụng công nghệ tưới phun tự động để tưới nước, các gia đình trong Tổ hợp tác còn kết hợp các biện pháp chăm sóc chè thông qua hệ thống vòi phun như: Vận chuyển và bơm tưới các loại phân vi sinh dạng lỏng, phun thuốc trừ sâu…qua đó tiết kiệm được công lao động, chủ động và nâng cao hiệu quả sử dụng của các loại phân bón. Hiện cả 7 gia đình của xóm Quỳnh Hội tham gia mô hình sản xuất chè đông có sử dụng công nghệ phun tưới nước tự động đều đã được thu hái lứa chè trái vụ đầu tiên. Tuy sản lượng không cao nhưng bù lại giá bán chè khô lại hơn gấp đôi, gấp ba so với thời điểm chính vụ. Bởi vậy làm chè đông mang lại hiệu quả hơn hẳn. Việc tiêu thụ chè thời điểm này cũng thuận lợi hơn nhiều so với khi chính vụ.

 

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Trung Hội cho biết: Đây là mô hình hợp tác đầu tiên ứng dụng công nghệ tưới phun tự động trong sản xuất chè ở Định Hóa. Sau một thời gian thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy, công nghệ này rất dễ ứng dụng, hiệu quả và phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư, mở rộng mô hình, từ đó nâng cao thu nhập, làm cho họ thêm gắn bó với cây chè vốn là cây trồng thế mạnh của địa phương.