Nông dân đánh bại “gã khổng lồ” Monsanto

10:32, 14/02/2012

Một tòa án Pháp yêu cầu Monsanto, một nhà cung cấp thuốc diệt cỏ và hạt giống từng sản xuất ra chất da cam, bồi thường cho một nông dân bị ngộ độc vì hít phải thuốc diệt cỏ do tập đoàn này sản xuất.

Monsanton là tập đoàn đã sản xuất ra chất làm rụng lá cây, còn gọi là chất da cam, được rải xuống Việt nam trong những năm chiến tranh. Độc chất dioxin trong chất da cam được cho là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như ung thư, dị tật bẩm sinh. Monsanto là bị cáo trong vụ kiện của các nạn nhân chất da cam ở Việt Nam từ nhiều năm qua.

 

Trong vụ kiện ở Pháp, nguyên đơn là là Paul Francois, một nông dân 47 tuổi. Theo AFP, vào năm 2004, Francois bị ngộ độc do hít phải thuốc diệt cỏ Lasso trong lúc phun thuốc trên ruộng. Tác dụng của thuốc khiến ông rơi vào trạng thái buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, nói lắp, đau cơ bắp. Sau đó Francois không thể lao động trong một năm.

 

Trong phiên xét xử hôm qua, tòa án thành phố Lyon, Pháp kết luận Monsanto - tập đoàn có trụ sở tại Mỹ - phải chịu trách nhiệm về trường hợp ngộ độc của ông Francois.

 

“Sự cố của thân chủ tôi khiến nông dân trên toàn thế giới lo ngại”, Francois Lafforgue, luật sư của ông Francois, phát biểu.

 

Tòa án cáo buộc Monsanto tiếp tục bán thuốc diệt cỏ Lasso tại thị trường Pháp tới tận năm 2007 mặc dù sản phẩm này bị cấm sử dụng tại Canada, Anh và Bỉ, không công bố thành phần của thuốc diệt cỏ trên nhãn mác, không cảnh báo nguy cơ ngộ độc do hít phải thuốc diệt cỏ và cũng không khuyên người sử dụng đeo mặt nạ phòng độc.

 

Jean-Philippe Delsart, luật sư của Monsanto, lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy ông Francois bị ngộ độc sau khi hít thuốc diệt cỏ Lasso. Theo Delsart, những triệu chứng ngộ độc xuất hiện vài tháng sau khi Francois hít thuốc diệt cỏ do Monsanto sản xuất.

 

“Chúng tôi cảm thấy các bên liên quan chưa có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành động sử dụng thuốc diệt cỏ Lasso với những vấn đề sức khỏe của ông Francois”, Yann Fichet, người đứng đầu bộ phận quan hệ với các thể chế của Monsanto, nói.

 

Generations Futures, tổ chức phản đối việc sử dụng thuốc diệt cỏ trên quy mô lớn, ca ngợi phán quyết của tòa án Pháp.

 

“Quy trách nhiệm cho Monsanto trong vụ án này là việc cần thiết. Từ nay những công ty cung cấp sản phẩm nông nghiệp hiểu rằng họ sẽ không thể lẩn tránh trách nhiệm. Đây là một bước tiến quan trọng đối với tất cả nông dân và nạn nhân khác của thuốc trừ sâu”, Francois Veillerette, người phát ngôn của Generations Futures, bình luận.

 

Ông Jose Bove, một thành viên của nghị viện châu Âu, nhận định hệ thống cấp phép sử dụng thuốc trừ sâu của Pháp nên được cải cách.

 

“Lasso được xếp vào nhóm những chất nguy hiểm từ thập niên 80 của thế kỷ trước, song nó chỉ bị rút khỏi thị trường Pháp vào năm 2007”, Bove chỉ rõ.