Sim rác sắp hết thời?

14:15, 14/09/2012

 Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp (DN) về thông tư quy định giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất và giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng thông tin di động mặt đất.  

Một trong những quy định của thông tư này (tại điểm b, điều 4, chương 2) là sau thời gian 3 tháng kể từ ngày người sử dụng dịch vụ thực hiện giao kết hợp đồng hòa mạng với DN di động, nếu số thuê bao đã được hòa mạng không có cước thuê bao, không phát sinh lưu lượng đi - đến thì giao kết hợp đồng sẽ chấm dứt.

 

Đây được coi là biện pháp mạnh của cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn tình trạng thuê bao mua sim dùng thay thẻ cào, dùng sim "rác" tràn lan gây lãng phí tài nguyên kho số và lượng thuê bao ảo. Cụ thể, có 3 nhóm đối tượng là người tiêu dùng, DN và đại lý sim số sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định này. Với người tiêu dùng, cùng với quy định cụ thể của Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước, trong đó yêu cầu phải đăng ký thông tin thuê bao cho thấy, khi có các quy định chặt sẽ hạn chế được tình trạng khách hàng mua sim thay thẻ cào về dùng. Song có ý kiến lại cho rằng, sim kích hoạt có sẵn tài khoản lớn mà các đại lý bán đã được nhiều cá nhân, thậm chí cả DN mua về dùng, để nhắn tin rác quảng cáo… thường sử dụng nhanh hết tiền trước cả 3 tháng, vậy quy định của thông tư về giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất và giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng này hầu như không có tác dụng?

 

Có ý kiến đề xuất, Bộ Thông tin - Truyền thông cần xem xét tới khía cạnh có hay không việc các DN cung cấp dịch vụ di động để lộ thông tin thuê bao của khách hàng và kết cục là khách hàng thường xuyên bị nhận tin nhắn rác từ sim rác quảng cáo cho các tổng đài kiểu như 6xxx, 7xxx, 8xxx…

 

Với các DN cung cấp dịch vụ di động, quy định của thông tư này sẽ ngăn chặn một trong những "bệnh "của các nhà mạng, đó là để đạt chỉ tiêu doanh thu, DN thường tăng tỷ lệ chiết khấu để đại lý, nhân viên viễn thông bán sim khống, nhưng thực chất là lượng sim này chỉ nằm chết ở kênh phân phối. Sau đó, số sim này mới được kích hoạt, phát sinh cước và hạch toán chi phí trong năm sau, dẫn đến hiện tượng lãi giả lỗ thật. Với các đại lý sim số, nếu thông tư được áp dụng, họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì lâu nay các chủ đại lý thường kích hoạt sim có sẵn tài khoản gấp 3 lần mệnh giá, người tiêu dùng chỉ việc mua và lắp thẻ sim vào gọi mà không cần đăng ký thông tin thuê bao. Do vậy, thời gian tới, họ sẽ không dám "ôm" sim như vậy, vì nếu không bán kịp hàng, sẽ bị thu hồi.

 

Còn với giới buôn sim số đẹp (ước tính, hiện nay có khoảng 10 triệu sim số đẹp đang tồn tại chủ yếu trên các kênh phân phối), liệu có bị ảnh hưởng bởi quy định này? Một số bạn đọc cho rằng, trong thông tư kể trên, Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ quy định là sim đã kích hoạt mà trong vòng 3 tháng không phát sinh cước, lưu lượng sẽ bị thu hồi, trong khi nhóm sim số đẹp lại chủ yếu chưa kích hoạt, vậy giới buôn sim chẳng phải lo ngại. Song, Công ty Vinaphone đã thông báo tới các đại lý về thời điểm thu hồi sim trả trước chưa kích hoạt, như sim phát hành trước 0 giờ ngày 1-8-2011 sẽ có thời hạn sử dụng (kích hoạt) đến hết ngày 31-12-2013; sim phát hành sau 0 giờ ngày 1-8-2011, thời hạn sử dụng được tính từ thời điểm phát hành đến 24 giờ ngày 31-12 của năm thứ hai liền sau năm phát hành…Vậy, sau khi thông tư được áp dụng, khả năng các nhà mạng còn lại cũng sẽ có quy định tương tự như Vinaphone là điều hoàn toàn có thể. Được biết, quy định của Vinaphone cũng gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông, song có một thực tế rằng, những sim số được cho là đẹp theo phong thủy, theo tuổi, mệnh, kinh dịch... mà giới buôn sim đang nắm chỉ đem lại lợi ích cho những người buôn bán (được đẩy giá lên tiền tỷ đồng) mà chưa đem lại doanh thu cho nhà mạng (do chưa phát sinh cước).

 

Cùng với quy định 3 tháng không phát sinh cuộc gọi sẽ bị thu hồi, thông tư cũng yêu cầu phải đóng tiền phí hòa mạng… Đây được coi là những điều kiện ràng buộc với khách hàng, góp phần hạn chế nạn sim rác, thuê bao ảo không có lợi cho cả DN và người tiêu dùng.