Chính phủ Nga sẽ chi hơn 50 tỷ USD để san bằng khoảng cách trong công nghệ vũ trụ với các nước phát triển khác
Trong buổi nói chuyện với các nhà du hành trên Trạm Không gian Quốc tế tại công trường sân bay vũ trụ Vostochny hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận các cường quốc công nghệ vũ trụ đang bỏ xa Nga trong công nghệ thám hiểm không gian, hãng thông tấn ITAR-TASS đưa tin.
"Chúng tôi đang tụt hậu so với thế giới trong một số lĩnh vực. Nga đang đối mặt với khoảng cách lớn về hoạt động thám hiểm không gian xa so với các cường quốc hàng đầu về vũ trụ", ông Putin nhận định.
Putin nói rằng Moscow sẽ chi 1,6 nghìn tỷ rouble (52 tỷ USD) cho hoạt động khám phá vũ trụ trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2020.
"Một điều rõ ràng là Nga phải khôi phục vị thế cường quốc vũ trụ hàng đầu trong thế kỷ 21", ông chủ Điện Kremlin tuyên bố.
Thị trường phóng các thiết bị vào không gian đang đạt mức mức 300-400 tỷ USD, nhưng Putin dự đoán con số đó sẽ tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Liên Xô cũ từng vượt Mỹ trong thám hiểm vũ trụ khi họ phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957, phi thuyền không người lên mặt trăng vào năm 1959 và đưa nhà du hành Gagarin lên quỹ đạo vào năm 1961. Nhưng Nga đã không thực hiện các hoạt động phóng thiết bị vào không gian xa trong hơn 20 năm qua. Nỗ lực mới nhất của họ - phóng tàu Phobos-Grunt lên sao Hỏa vào năm 2011 - đã thất bại.
Tháng trước Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) đã ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu trong việc phóng tàu lên sao Hỏa. Ngoài ra, Roscosmos còn muốn thực hiện hàng loạt chương trình khác để khôi phục vị thế cường quốc vũ trụ hàng đầu của Nga - như chương trình phóng tàu không người lên mặt trăng vào năm 2015.