Một thiên thạch có đường kính khoảng 10 m vừa bay phía trên Nam Đại Dương hôm qua.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo các nhà khoa học phát hiện thiên thạch 2013 LR6 đúng một ngày trước khi nó bay sát Nam Đại Dương, ngoài khơi Tasmania, Australia vào lúc 4h42 hôm qua theo giờ GMT (11h42 theo giờ Hà Nội), Reuters đưa tin. Vào thời điểm đó, thiên thạch cách trái đất khoảng 104.000 km - bằng 1/4 khoảng cách giữa địa cầu và mặt trăng.
Do đường kính của 2013 LR6 chỉ khoảng 10 m nên nó không phải là mối họa đối với trái đất.
Một tuần trước, QE2 - một thiên thạch có đường kính 2.700 m - cùng vệ tinh của nó đã bay cách trái đất khoảng 5,8 triệu km.Ngày 15/2, một thiên thạch nổ tung rồi lao xuống vùng Chelyabinsk của Nga khiến hơn 1.500 người bị thương bởi các mảnh kính vỡ.
NASA từng tuyên bố rằng họ đã phát hiện khoảng 95% thiên thạch lớn (đường kính từ 1.000 m trở lên) gần trái đất.
"Về mặt lý thuyết, khả năng va chạm giữa thiên thạch và trái đất luôn tồn tại", nhà thiên văn Gianluca Masi, một chuyên gia của dự án Kính thiên văn ảo, phát biểu. Trong dự án Kính thiên văn ảo, người yêu thiên văn có thể quan sát cảnh tượng những thiên thạch bay sát trái đất qua dịch vụ Google+.