Nhóm nghiên cứu Đại học quốc gia Singapore cho biết vỏ táo và cà chua có thể loại bỏ các chất ô nhiễm trong nước.
Khan hiếm nước sạch trên thế giới là một trong những vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Theo các chuyên gia, tình trạng này sẽ tồi tệ hơn trong tương lai do con người ngày càng sử dụng nhiều nước hơn, trong khi hầu hết các công nghệ lọc nước đang rất khó tiếp cận với những người còn khó khăn về kinh tế.
Ông Ramakrishna Mallampati, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sau khi thử nghiệm trên các vật liệu rẻ có sẵn, ông nhận thấy vỏ táo và vỏ cà chua có thể loại bỏ các chất ô nhiễm khác nhau bởi quá trình hấp thụ khi chúng hòa tan vào nước. Các chất ô nhiễm này bao gồm hóa chất hữu cơ, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, AsianScientist đưa tin.
Hơn nữa, để vỏ táo tăng cường khả năng loại bỏ các chất ô nhiễm tích điện âm, ông Ramakrishna Mallampati cố định thêm hợp chất tự nhiên oxit zirconi lên bề mặt vỏ táo, và ông thấy rằng phương pháp này làm tách các ion mang điện tích âm như photphat, asen, các ion cromat ra khỏi nước.
Người giám sát nghiên cứu, ông Ramakrishna và phó giáo sư Suresh Valiyaveettil hy vọng phát hiện của họ sẽ mang lại nguồn nước sạch cho mọi người ở ngôi làng xa xôi, những nơi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm và nước từ các con sông bị ô nhiễm.
Các nhà khoa học có ý định làm việc với các tổ chức phi chính phủ để chuyển kết quả nghiên cứu của họ thành dự án, đem lại kiến thức và lợi ích cho cộng đồng. Nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm thêm các vỏ trái cây khác và các loại sợi tự nhiên giúp làm sạch nước.