Đèn chai nhựa - một phát minh cho người nghèo

16:45, 19/08/2013

Năm 2002, ông Alfredo Moser, một thợ cơ khí người Brazil đã phát minh ra một phương pháp mới để chiếu sáng ngôi nhà của mình trong suốt cả ngày mà không tốn một xu tiền điện nào. Ý tưởng của ông đã giúp thắp sáng ngôi nhà của cả triệu người nghèo trên toàn thế giới.

Phát minh của ông Moser đơn giản chỉ là những chiếc bóng đèn làm từ những chai nhựa trong suốt chứa đầy nước và lợi dụng nguyên lý khúc xạ ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, ông còn bổ sung thêm một chút thuốc tẩy để giúp cho nước không bị tảo biến thành màu xanh Sau đó, ông Moser cắm cái chai nhựa này vào một cái lỗ nhỏ được khoan trên mái nhà rồi cố định lại bằng nhựa polyester để chống dột khi trời mưa. Thế là một chiếc đèn đã được lắp đặt hoàn chỉnh. Thông thường độ sáng của những chiếc bóng này đạt khoảng từ 40 tới 60 watt.

 

Nguồn cảm hứng về những chiếc đèn đến với ông Moser từ năm 2002. Có một lần, bạn bè của ông đã tưởng tượng ra tình huống cần tạo ra một tín hiệu gọi cấp cứu mà lại không có diêm hay dụng cụ đánh lửa nào. Một người đã đề nghị lấy chiếc chai nhựa đổ đầy nước làm thành thấu kính hội tụ tia nắng để tạo ra tia lửa từ cỏ khô.

 

Sau đó, ông Moser đã bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi ý tưởng này và nhanh chóng phát minh ra ngọn đèn. Ông nói: “Mọi người đều tiết kiệm được tiền khi sử dụng loại đèn này. Bạn sẽ không bị điện giật bởi ngọn đèn này và nó chẳng làm bạn tốn một xu nào cả.”.

 

Ông Moser đã lắp đặt những chiếc đèn chai trong các ngôi nhà của hàng xóm và khu chợ địa phương. Mặc dù ông có kiếm được chút tiền từ việc lắp đặt, nhưng nó chẳng giúp ông giàu có được bao nhiêu. Điều mà phát minh này mang lại cho ông là một cảm giác tự hào.

 

Ông Illac Angelo Diaz, Giám đốc điều hành Quỹ tài trợ MyShelter ở Philippines, đã tỏ ra rất khâm phục phát minh đèn chai nhựa của ông Moser. MyShelter chuyên về các cấu trúc thay thế, tạo ra các ngôi nhà sử dụng các loại vật liệu tái sinh hoặc bền vững như tre, lốp xe hay giấy.

 

Áp dụng phương pháp của ông Moser, MyShelter đã bắt đầu tạo ra những chiếc đèn chai vào tháng 6-2011. Giờ đây, họ đang huấn luyện người dân chế tạo và lắp đặt những chiếc đèn để tiết kiệm chi phí. Tại Philippines, nơi mà một phần tư dân số sống dưới mức nghèo khổ, ý tưởng này đã thực sự cất cánh với hơn 140 nghìn hộ gia đình sử dụng.

 

Ông Diaz cho biết loại đèn của ông Moser còn được dùng ở một số cộng đồng dân cư trên các đảo xa xôi hẻo lánh. Ông cho biết những cư dân ở đó nhìn thấy những chiếc bóng đèn này ở nhà hàng xóm và đã nhanh chóng bắt chước.

 

Ngoài ra, đèn chai còn được áp dụng được ở khoảng 15 quốc gia khác, từ Ấn Độ và Bangladesh, cho tới Tanzania, Argentina và Fiji.

 

Tại Bangladesh, từ đầu năm nay, một tổ chức tình nguyện có tên là Change (Thay đổi) đã bắt đầu phân phối loại bóng đèn chai Moser tại các khu ổ chuột của Dhaka. Không giống một số tổ chức từ thiện khác, Change đã thu một khoản tiền nhỏ, tương đương với giá của khoảng 2 tới 3kg gạo, với mỗi chiếc đèn. Ông Iqbal nói: “Nếu bạn cho không chiếc đèn, người dân sẽ không thèm bảo trì nó. Họ không hiểu giá trị của nó”.

 

Một người phụ nữ đang dệt sari dưới ánh sáng của ngọn đèn chai ở Dhaka.

 

Ông Diaz ước tính có tổng cộng khoảng một triệu người được hưởng lợi từ loại đèn chai này kể từ đầu năm tới. Ông nói: “Alfredo Moser đã thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của nhiều người dân. Dù ông có được trao giải Nobel hay không, chúng tôi muốn ông biết rằng có nhiều người rất khâm phục những gì mà ông đã làm”.

 

Khi được hỏi ông có nghĩ rằng phát minh của mình lại có được sự ảnh hưởng lớn đến như vậy hay không, ông Moser lắc đầu và cảm động nói: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng tới điều đó”.