Công nghệ viễn thám nói chung, ảnh vệ tinh viễn thám nói riêng có ý nghĩa lớn lao đối với công cuộc phát triển đất nước. Vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDsat-1 bắt đầu đi vào hoạt động chính thức. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để khai thác, sử dụng có hiệu quả ảnh thu được từ vệ tinh viễn thám?
Gần ba tháng sau khi phóng vệ tinh VNREDsat-1, trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam đã thu được hơn bảy nghìn ảnh. Tuy là trong thời kỳ căn chỉnh, TS Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ (CNVT) hiện cả nước có hàng chục cơ quan, đơn vị nhưng trong đó Cục Viễn thám quốc gia là tổ chức được thành lập và phát triển vào loại sớm nhất (hơn 30 năm). Thấy được vai trò và ý nghĩa to lớn của CNVT đối với công cuộc phát triển đất nước, năm 2009, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh nhằm đón đầu việc phóng vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDsat-1 vào ngày 7-5 vừa qua.
Với nhiệm vụ chính là sử dụng công nghệ viễn thám, công nghệ địa tin học để phục vụ công tác điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường (bao gồm tài nguyên đất, nước, khoáng sản, các hiện tượng khí tượng thủy văn, thiên tai và tai biến địa chất), Cục Viễn thám quốc gia còn quản lý, vận hành trạm thu nhận và xử lý ảnh vệ tinh, lưu trữ, quản lý và cung cấp các dữ liệu thông tin ảnh viễn thám phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng cho đất nước... Công cuộc CNH, HÐH đất nước trong thời kỳ hội nhập đang diễn ra sâu rộng, việc ứng dụng công nghệ viễn thám là nhu cầu thiết thực nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Hơn 10 năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ ngành viễn thám đã hoàn thành hai đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước, hàng chục đề tài cấp bộ và các nhiệm vụ hợp tác theo nghị định thư với các tổ chức quốc tế. Ðáng chú ý trong đó phải kể đến chương trình do Chính phủ giao "Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa hình thủy văn cơ bản phục vụ phòng, chống lũ và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long", đáp ứng kịp thời nhu cầu về ảnh viễn thám cho công tác tổng kiểm kê đất đai giai đoạn 2005 - 2010, kiểm kê diện tích rừng theo chu kỳ. Ðồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các dự án "Giám sát tài nguyên, môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám", và "Theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng và sông Mê Công"...
Trước thực trạng các loại tài nguyên, khoáng sản bị khai thác một cách bừa bãi, thiếu quy hoạch; thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Cục Viễn thám quốc gia được giao nhiệm vụ "Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam". Một trong những kết quả quan trọng của nhiệm vụ này là đơn vị đã lắp đặt thành công và đưa vào vận hành trạm thu ảnh vệ tinh tại Hà Nội (năm 2009) với nguồn vốn đầu tư 19 triệu ơ-rô từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp và 50 tỷ đồng vốn đối ứng Việt Nam. Có thể nói, đây là bước cụ thể hóa đầu tiên trong "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020". Theo TS Nguyễn Xuân Lâm, trạm được lắp đặt các thiết bị kỹ thuật sử dụng công nghệ mới nhất của Tập đoàn hàng không vũ trụ quốc phòng Pháp (EADS - DSC), thuộc loại hiện đại nhất khu vực Ðông - Nam Á. Bởi vậy, từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm thu ảnh vệ tinh đã thu nhận, xử lý lập ca-ta-lô và lưu trữ dữ liệu truyền xuống từ các vệ tinh Spot 2, 4 và Spot 5 (độ phân giải 2,5m) Envisat Asar (ảnh ra-đa), Envisat Meris 15 kênh phổ. Tạo điều kiện phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ trong hoạt động điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; theo dõi biến động của thiên tai lũ lụt và nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp ở nước ta.
Với tính năng tự động cao hơn các trạm trong khu vực Ðông - Nam Á, trạm thu ảnh vệ tinh đầu tiên của Việt Nam có kiến trúc mở, tạo khả năng nâng cấp các đầu thu ảnh mới tùy theo nhu cầu thực tế. Theo đó, các loại ảnh vệ tinh thu được qua trạm như ảnh vệ tinh Spot, ảnh Asar và ảnh vệ tinh thu VNREDsat-1 sắp đi vào hoạt động chính thức sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra của các ngành, các cấp. Chẳng hạn công tác kiểm kê đất đai, giám sát và kiểm kê rừng, xây dựng và hiệu chỉnh các loại bản đồ biển, hải đảo; giám sát ô nhiễm môi trường, thiên tai, lũ lụt; phục vụ công tác quản lý của ngành thủy, hải sản và đánh bắt xa bờ...
Nhờ sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan viễn thám quốc tế như Spot Image, EADS đến nay Cục Viễn thám quốc gia đã có một đội ngũ gần 40 kỹ sư, và khoảng 250 nhân viên kỹ thuật công nghệ cao chuyên ngành vệ tinh viễn thám nên thời gian qua, trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam đã thu nhận, xử lý hơn 150 nghìn ảnh vệ tinh các loại phục vụ thiết thực cho hoạt động nghiên cứu, điều tra, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hợp tác với Pháp, chúng ta đã phóng được vệ tinh VNREDsat-1 (đầu tư 55,8 triệu ơ-rô vốn ODA và hơn 64,8 tỷ đồng vốn đối ứng Việt Nam) vào đầu tháng 5 vừa qua.
Sau ba tháng căn chỉnh, VNREDsat-1 đang đi vào hoạt động ổn định và theo kế hoạch vào ngày 9-8 vừa qua, phía Pháp bàn giao toàn bộ dự án vệ tinh VNREDsat-1 cho Việt Nam. Vấn đề đặt ra là khi vệ tinh VNREDsat-1 chính thức đi vào hoạt động cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các đơn vị chức năng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Cục Viễn thám quốc gia và các đơn vị khác trong việc vận hành, khai thác và sử dụng ảnh vệ tinh VNREDsat-1 góp phần phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước sao cho đạt hiệu quả như tinh thần thông báo của Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, ngành cuối tháng 5 vừa qua.