Các nhà khoa học Mỹ khẳng định núi lửa Tamu Massif, mới được họ phát hiện dưới độ sâu 2km dưới đáy biển Thái Bình Dương, là ngọn núi lửa lớn nhất thế giới.
Trong bài báo đăng trên tạp chí Địa lý tự nhiên, một nhóm các nhà khoa học đã cho biết, ngọn núi lửa mà họ mới phát hiện được dưới dưới đáy biển Thái Bình Dương có diện tích lên tới 310 nghìn km vuông. Với kích thước này, ngọn Tamu Massif chỉ kém diện tích của núi lửa Olympus Mons, ngọn núi lửa lớn nhất hệ Mặt trời trên bề mặt sao Hỏa có 25%. Tuy nhiên, trong khi núi lửa Olympus Mons trên sao Hỏa có chân núi tương đối nông thì ngọn Tamu Massif có chân núi cắm sâu tới 30km vào vỏ Trái Đất. Nó cũng lớn hơn nhiều so với ngọn núi lửa lớn nhất Trái Đất hiện nay, núi Mauna Loa ở Hawaii.
Ngọn núi lửa này nằm trên một bình nguyên dưới đáy biển có tên là Shatsky Rise, cách Nhật Bản 1.600km về phía đông. Các nhà khoa học cho rằng bình nguyên này đã hình thành cách đây 145 triệu năm trước, đầu kỷ Phấn Trắn, khi nham thạch từ trung tâm núi lửa trào ra tạo thành một khu vực bằng phẳng, rộng lớn như hiện nay. Tuy nhiên, họ nói rằng ngọn núi lửa này có thể sẽ không hoạt động trở lại nữa.
Ông William Sager, một giáo sư của trường ĐH Houston (Mỹ), đồng tác giả bài báo, cho rằng có thể sẽ còn nhiều núi lửa cực lớn khác bị che giấu trong số hàng chục bình nguyên khổng lồ khác nằm dưới đáy biển trên khắp thế giới. Ông cho biết, trong thực tế, bình nguyên dưới biển lớn nhất thế giới chính là bình nguyên Ontong Java nằm dưới Thái Bình Dương ở gần đường xích đạo, phía đông quần đảo Solomon. Nó lớn hơn nhiều Tamu với kích thước tương đương nước Pháp.
GS Sager đã bắt đầu nghiên cứu cấu trúc này từ hai thập kỷ trước đây, nhưng khi đó ông vẫn chưa rõ khối núi này là một hay nhiều núi lửa. Cái tên Tamu của ngọn núi lửa được GS Sager đặt dựa theo tên của trường ĐH Texas, nơi ông từng dạy trước khi chuyển tới trường ĐH Houston.