Thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo

08:08, 09/09/2013

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Thái Nguyên được tổ chức 2 năm một lần đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, công nhân, viên chức, lao động và các hộ nông dân tham gia. Thông qua Hội thi đã xuất hiện nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, giảm công lao động, hạ giá thành sản phẩm. Để độc giả hiểu rõ hơn về Hội thi này, P.V Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông  Nguyễn Văn Vỵ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH & KT) của tỉnh.

P.V: Ông có thể cho biết những nét khái quát về cách thức tổ chức, mục đích, ý nghĩa của Hội thi STKT của tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Vỵ: Hội thi STKT được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực KHKT và áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội thi do Liên hiệp các Hội KH&KT, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ), Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức, Liên hiệp các Hội KH&KT là cơ quan thường trực Hội thi. Hội thi được tổ chức 2 năm 1 lần, bao gồm cấp ngành và cấp tỉnh. Hội thi cấp ngành được tổ chức tại các ngành: LĐLĐ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh và do Ban Tổ chức Hội thi cấp ngành tổ chức thực hiện. Sau khi cấp ngành tổ chức chấm, trao giải sẽ lựa chọn những công trình chất lượng cao tham gia Hội thi STKT cấp tỉnh.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về kết quả Hội thi STKT của tỉnh lần thứ VI?

Ông Nguyễn Văn Vỵ: Hội thi STKT lần thứ VI (2011-2012), sau khi được phát động và tổ chức triển khai, Cơ quan thường trực đã tiến hành tiếp nhận 49 hồ sơ của các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham dự Hội thi. Các hồ sơ được Ban Thư ký Hội thi phân chia theo các lĩnh vực, gồm có: lĩnh vực Nông nghiệp: 13 hồ sơ; lĩnh vực Công nghiệp: 18 hồ sơ; lĩnh vực khác (quản lý, dịch vụ, văn hoá - xã hội, y dược học, giáo dục đào tạo…): 18 hồ sơ. Ban Tổ chức đã thành lập Hội đồng chấm thi gồm 3 hội đồng chuyên ngành (là các chuyên gia, nhà khoa học). Hội đồng chấm thi tiến hành chấm trên các bản thuyết minh, các giải pháp gửi dự thi. Đối với những đề tài, giải pháp dự kiến được nhận giải nhất, nhì, Ban Tổ chức thành lập đoàn đi khảo sát thực tế tại những nơi đã và đang áp dụng kết quả của đề tài, giải pháp đó. Căn cứ vào kết quả chấm giải, kết quả kiểm tra thực tế, Ban Tổ chức xét và công nhận trao giải cho các tập thể và cá nhân. Nhìn chung, chất lượng các đề tài, giải pháp tham dự Hội thi ngày càng được nâng cao. Tiêu chí đánh giá chất lượng các giải pháp dự thi ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng nội dung và hình thức trình bày cũng được nâng cao hơn. Nhiều đề tài đã đưa vào áp dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này phản ánh đúng trình độ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và STKT - công nghệ của cộng đồng, tương đồng và phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Hội thi đã thu hút được đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia với nhiều sáng kiến, cải tiến, giải pháp kỹ thuật. Nhiều đề tài, giải pháp rất thiết thực cho sản xuất và đời sống. Kết quả này đã thể hiện phong trào tham gia Hội thi STKT tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển (số lượng các công trình tham gia Hội thi lần thứ VI đã tăng hơn so với Hội thi lần thứ V, từ 31 hồ sơ lên 49 hồ sơ).  Số lượng hồ sơ tham dự đồng đều ở tất cả các lĩnh vực dự thi. Thông qua Hội thi STKT đã góp phần tôn vinh kịp thời những thành quả lao động sáng tạo của nhiều tác giả và tập thể tác giả. Nhờ đó mà trong những năm qua, Hội thi STKT của tỉnh luôn phát triển ổn định, chất lượng, số lượng các đề tài, giải pháp tham gia mỗi năm mỗi tăng.

P.V: Được biết theo đánh giá của Ban Giám khảo thì một số công trình tham gia chưa đáp ứng được đầy đủ 4 tiêu chí của Hội thi, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Vỵ:
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, một số công trình tham dự Hội thi chưa đáp ứng được đầy đủ 4 tiêu chí về tính mới, tính sáng tạo, tính hiệu quả và khả năng áp dụng. Theo tôi, hạn chế này do một số nguyên nhân sau: Công tác tuyên truyền về Hội thi, đặc biệt là về nội dung Hội thi, tiêu chí đánh giá công trình STKT tới các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp chưa được đầy đủ, dẫn đến khi hoàn thiện hồ sơ dự thi các chủ nhiệm công trình chưa trình bày đầy đủ theo các tiêu chí đã đưa ra. Một số hồ sơ dự thi còn sơ sài, không có minh chứng, không chứng minh được tính hiệu quả. Các thành phần tham dự Hội thi hiểu về tính mới, tính sáng tạo còn chưa thật đúng, vì vậy chưa chứng minh được tính mới, tính sáng tạo của công trình do mình làm ra. Một số giải pháp kỹ thuật đòi hỏi nguồn kinh phí lớn (đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp), vì vậy chưa có điều kiện áp dụng vào thực tế. Vì vậy một số giải pháp chỉ dừng lại ở tính toán lý thuyết, chờ áp dụng vào thực tế.

P.V: Để Hội thi STKT những năm tiếp theo thu hút được đông đảo các tác giả, nhóm tác giả tham gia cũng như đa dạng về các lĩnh vực nghiên cứu, nâng cao chất lượng công trình dự thi, trước mắt Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh sẽ tập trung triển khai những công việc gì, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Vỵ:
Chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh (Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình, Cổng thông tin điện tử của tỉnh…) để thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung, thể lệ của Hội thi tới đông đảo đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng nhân dân nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo của toàn dân, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Đồng thời sẽ tăng cường hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tác giả của các công trình đăng ký, lập hồ sơ tham gia Hội thi, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân và đơn vị tham gia. Với vai trò là cơ quan Thường trực tổ chức Hội thi cấp tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh sẽ tích cực, chủ động phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, LĐLĐ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai các hoạt động của Hội thi. Kết quả Hội thi lần này rất đáng trân trọng. Tôi tin tưởng với sự phát triển rộng khắp của phong trào STKT, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp, sẽ tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển, góp phần nhanh chóng đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2020 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
 

P.V: Xin cảm ơn ông!