Tạo hành lang pháp lý bảo đảm an toàn, an ninh mạng in-tơ-nét

07:33, 07/02/2015

Trong 15 năm đầu của thế kỷ 21, mạng in-tơ-nét đã có hơn ba tỷ người sử dụng, hình thành một môi trường mới làm thay đổi cuộc sống của con người, đó là không gian mạng (KGM).

Ngoài những lợi ích đem lại, KGM đã trở thành nơi cạnh tranh, đấu tranh thậm chí cả chiến tranh nhằm đạt được lợi ích kinh tế, chính trị từ các quốc gia, tổ chức, cá nhân. Trong bối cảnh như vậy, điều cấp thiết cần nhanh chóng ban hành Luật An toàn thông tin, từ đó có các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin một cách chủ động, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong KGM.

 

Chiến tranh mạng sử dụng các phương tiện điện tử, mạng máy tính và cả các tác động tâm lý... để tiến công vào toàn bộ hệ thống làm ảnh hưởng, suy giảm và phá hủy khả năng chỉ huy kiểm soát của đối phương, đồng thời bảo vệ khả năng chỉ huy kiểm soát của mình khỏi bị ảnh hưởng bởi những hành động tương tự của đối phương. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều chuyên gia cho rằng, với các ưu thế, chiến tranh mạng sẽ "bùng nổ" trong những năm tới. Bởi vì, đối phương chỉ cần sử dụng một lực lượng nhỏ, thậm chí một chuyên gia tin học, với trang bị gọn nhẹ, bí mật thâm nhập vào mạng của đối phương tiến hành phá hoại. Hơn nữa, việc kiểm soát các nguồn đe dọa trong và ngoài nước vô cùng khó khăn, không thể xác định kẻ tiến công là ai, ranh giới giữa các quốc gia bị xóa nhòa. Khi kiểm soát được hệ thống, đối thủ có thể đưa yêu sách, trợ giúp chính trị... Hiện nay, vẫn chưa có một hệ thống nào cảnh báo, phân loại các cuộc tiến công trên mạng hoặc xử lý các sự cố. Nhiều đồng minh và đối tác liên minh của một quốc gia sẽ bị tổn thương khi các cơ sở hạ tầng thông tin của họ bị tiến công.

 

Vì vậy, phần lớn các nước trên thế giới đều nhìn nhận được những lợi ích và mối đe dọa từ không gian mạng, qua đó xây dựng chiến lược về an toàn không gian mạng từ nhiều năm trước. Tuy có những mục tiêu và chiến lược khác nhau trong không gian mạng, nhưng phần lớn chiến lược an toàn thông tin của các nước tập trung vào nội dung là: Chính phủ làm thế nào để bảo vệ tổ chức kinh tế, cơ sở hạ tầng quan trọng, cơ cấu chính phủ, doanh nghiệp và người dùng gia đình tránh được những nguy cơ từ mạng. Chiến lược cũng đề xuất rõ mục đích của chính sách an toàn thông tin là duy trì bảo vệ môi trường điện tử an toàn, năng lực khôi phục mạnh và khả tín, từ đó thúc đẩy an ninh quốc gia, quốc phòng và thu được lợi ích lớn nhất trong kinh tế số.

 

Đầu năm 2012, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã đưa ra mục tiêu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng. Để thực hiện được mục tiêu trên, tháng 9-2013, Ban Bí thư đã đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin trên mạng, cụ thể như: Tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống" trong các giải pháp phòng, chống các vi phạm và tội phạm thông tin mạng, bảo đảm an toàn thông tin; tạo sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Không ngừng nâng cao nhận thức và năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, đoàn thể; Kịp thời ứng phó với những nguy cơ đến từ thông tin mạng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới. Trong đó có một số nhiệm vụ cụ thể như: Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; tăng cường xây dựng hệ thống và năng lực bảo đảm an ninh và an toàn thông tin trên mạng; giám sát, phát hiện sớm tiến công mạng.

 

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay mới đang hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc: Xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Luật An toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp xây dựng dự thảo các văn bản pháp lý; cơ chế điều phối, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin; kiện toàn thể chế quản lý, phát triển nguồn nhân lực và làm chủ khoa học công nghệ về an toàn thông tin; tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước; chuẩn hóa việc áp dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin; nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại và năng lực điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin tại Việt Nam.

 

Từ giai đoạn 2011 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành ba nghị định, hai quyết định và các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền năm thông tư, một chỉ thị trong lĩnh vực an toàn thông tin, tập trung vào điều chỉnh các vấn đề nóng như chống thư rác, bảo vệ mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước và điều phối ứng cứu sự cố máy tính. Hiện dự thảo Luật An toàn thông tin đang được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng. Tại dự thảo Luật sẽ có các mục về "xung đột thông tin trên mạng", bao gồm nguyên tắc, nội dung và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân nhằm ngăn chặn các xung đột thông tin trên mạng. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp vào tháng 5-2015 của Quốc hội và xem xét thông qua kỳ họp vào tháng 10-2015 của Quốc hội. Nếu Luật An toàn thông tin được thông qua và có hiệu lực sẽ là "công cụ" mạnh để các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp cần thiết, bảo đảm an toàn thông tin một cách chủ động, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong KGM.