Phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng”

11:00, 16/12/2015

Nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thuộc Chương trình 68 của Chính phủ, sau gần 2 năm triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Miến Việt Cường Hóa Thượng”, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh đã góp phần nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh của tỉnh.

Thạc sĩ Lê Vĩnh Phượng, Giám đốc Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, cũng là Chủ nhiệm dự án chia sẻ: Thương hiệu “Việt Cường” đã gắn bó với tất cả các hộ dân sản xuất miến ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) và được thị trường biết đến thông qua quá trình giao dịch thương mại. Tuy nhiên, khi triển khai Dự án và tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng”, chúng tôi đã vấp phải sự phản đối của Chủ sở hữu nhãn hiệu “Việt Cường” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Để thực hiện đúng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân sản xuất miến tại xóm Việt Cường của HTX miến Việt Cường. Chi cục đã làm các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” dùng cho sản phẩm miến được sản xuất tại xóm Việt Cường đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận tại Quyết định số 40869, ngày 15-7-2015.

 

Được biết, với vai trò là Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng”, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh đã thành lập Ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng”. Đồng thời xây dựng quy chế tổ chức hoạt động, quy định cách thức quản lý và sử dụng tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng”. Đồng thời, Chi cục cũng tổ chức 4 lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân làng nghề Việt Cường về sở hữu trí tuệ và kiến thức về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường bán sản phẩm. Đặc biệt là qua nghiên cứu trên cơ sở khoa học thực tiễn sản xuất, đơn vị chủ trì dự án đã xây dựng được 2 quy trình sản xuất miến truyền thống và sản xuất miến công nghiệp. Chi cục cũng đã xây dựng hệ thống tem, nhãn sản phẩm, bao bì cho sản phẩm mang nhãn hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng”; xây dựng website www.mienvietcuong.com.vn để giới thiệu sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng; tổ chức đưa sản phẩm miến của làng nghề Việt Cường tham gia 2 hội chợ thương mại trong nước...

 

Trở lại Làng nghề miến Việt Cường sau hơn một năm được trao nhãn hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng” chúng tôi nhận thấy không khí lao động sản xuất rất sôi động hơn. Mặc dù thời tiết chuyển mùa khá lạnh, song nhà nhà đang tất bật quấy bột, cán, phơi miến… Vào thăm nhà anh Đặng Quang Tuyến (một cơ sở sản xuất miến có quy mô lớn của xóm) chúng tôi thấy hơn 10 lao động đang gấp rút quấy bột, cán miến, phơi, rồi đóng gói. Anh Tuyến vui vẻ cho biết: “Từ khi sản phẩm miến của làng nghề được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể đến giờ, gia đình tôi sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Cách đây hơn 1 năm khi miến của làng nghề chưa có thương hiệu, mỗi ngày gia đình tôi chỉ sản xuất được khoảng 1 tạ sản phẩm thì nay công suất đã tăng lên 3 tạ miến khô/ngày, sản phẩm đã được đóng gói và gửi  bán tại cả T.P Hồ Chí Minh. Ngoài 4 lao động của gia đình, tôi phải thuê thêm 8 nhân công ở nơi khác đến làm việc”.

 

Ông Đỗ Văn Đạt, Trưởng xóm, Trưởng làng nghề miến Việt Cường vui mừng cho biết thêm: “Hằng năm, làng nghề xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 400-450 tấn miến, năm nay dự kiến sản lượng tăng từ 15-20%, riêng vụ Tết sản lượng chiếm ½ của cả năm. Đến nay, trong xóm đã có 10 hộ đầu tư máy ép miến bằng máy thủy lực, số còn lại dùng động cơ để cán miến, góp phần nâng cao sản lượng cũng như giảm nhân công lao động thủ công; 100% các hộ làm miến đều đầu tư giàn phơi miến bằng I nốc đảm bảo vệ sinh. Ban quản lý làng nghề đã phối hợp cùng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng in logo, tem, nhãn ký hiệu sản phẩm và xây dựng mã vạch cho sản phẩm miến của từng gia đình. Các gia đình sản xuất miến theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo uy tín. Người tiêu dùng cũng có niềm tin hơn đối với sản phẩm miến của làng nghề vì chất lượng đảm bảo theo các tiêu chí quy định. Từ làm miến, hiện nay toàn xóm Việt Cường có 8 hộ mua được ô tô, tỷ lệ hộ khá giả chiếm 70%, chỉ còn 1 hộ nghèo, số còn lại kinh tế trung bình”.

 

Từ việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm miến sản xuất tại xóm Việt Cường đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là lần đầu tiên đã nghiên cứu một cách đầy đủ để đưa ra các quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm miến; xây dựng được hệ thống quy chế quản lý để tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở để sản phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh để làm tăng giá trị kinh tế cho người dân tại địa phương, phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, giải quyết việc làm cho người lao động, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Về hiệu quả xã hội, nhãn hiệu chứng nhận là căn cứ pháp lý quan trọng, lâu dài, góp phần làm tăng giá trị tích lũy và phát triển thương hiệu “Miến Việt Cường Hóa Thượng”- sản phẩm thế mạnh, đặc sản của địa phương.



dịch vụ in tem nhãn TpHCM dịch vụ in tem nhãn TpHCM