Trồng thử nghiệm cây năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường

16:42, 19/09/2016

Với trách nhiệm và mong muốn phủ xanh diện tích đất trống, chống xói mòn, tăng tính đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính (khí CO2); ngoài ra, còn có thể nhân rộng các loại cây này tới cộng đồng địa phương để mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra nguồn năng lượng mới cho người dân địa phương (như khí sinh học, nhiên liệu sinh học…) cũng như thức ăn cho gia súc, ngày 25-01-2016, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) và Viện Độc lập về lĩnh vực Môi trường (UFU) - Cộng hòa liên bang Đức đã tiến hành ký kết hợp tác phát triển Dự án nghiên cứu thử nghiệm tính khả thi của việc trồng cây năng lượng trên đất khai thác mỏ.

Dự án sẽ triển khai trồng thí điểm cây Keo lai Úc, Cỏ VA06 (giống cỏ lai giữa cỏ voi và cỏ đuôi sói của châu Mỹ) và cây Cao lương trên diện tích 1ha. Giai đoạn trồng thử nghiệm sẽ được diễn ra trong khoảng thời gian 3 năm với sự tham gia tư vấn về mặt kỹ thuật trồng và chăm sóc của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Dự án hợp tác trồng thử nghiệm cây năng lượng được tài trợ bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và an toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức.

 

Bước đầu trồng thử kiệm cho thấy, đối với cây Cao lương: Dự án bắt đầu trồng thử nghiệm trên diện tích 1.080m2 từ ngày 13-4-2016, đến cuối tháng 7-2016 đã thu hoạch được một lứa, sản lượng đạt xấp xỉ 6,9 tấn/1.080m2 bao gồm cả thân, lá và bông hạt (tương đương khoảng 69 tấn/ha). Cây cao lương có 3 chức năng: chế biến thành thức ăn chăn nuôi cho bò sữa, bò thịt; thân cây làm đường, chế tạo xăng sinh học và có thể sử dụng để chế biến viên nén sinh học (dùng trong đốt lò hơi, nhiệt điện); nếu trồng diện tích lớn có thể chế biến thành cồn etanol.

 

Cỏ VA06: Mỗi năm sẽ cho thu hoạch từ 4-6 lứa cỏ. Trồng một lần có thể cho thu hoạch trong khoảng 6-7 năm, năng suất cỏ đạt cao nhất từ năm thứ 2 đến năm thứ 6. Dự án bắt đầu trồng thử nghiệm trên diện tích 4.000m2 từ ngày 07-5-2016, đến nay đã đủ thời gian thu hoạch lứa đầu tiên, sản lượng ước tính đạt khoảng 40 tấn/4.000m2 (tương đương 90 tấn/ha). Kiểm tra mẫu cỏ cho thấy, các chất Hg, Pb, Cd, As có hàm lượng thấp hơn quy chuẩn cho phép (QCVN 01-13:2009/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật uốc gia: Thức ăn chăn nuôi - hàm lượng kháng sinh, hóa dược, vi sinh vật và kim loại nặng tối đa cho phép trong thức ăn cho bê và bò thịt), thích hợp với việc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

 

Cây Keo lai Úc: Bắt đầu trồng từ ngày 30-3-2016 trên diện tích 4.500m2. Đây  là giống Keo lai Úc thế hệ F1 do Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trực tiếp ươm tạo giống, khả năng sinh trưởng cũng như chất lượng gỗ tốt hơn so với giống keo lai được bán tại các nhà vườn tư nhân (do giống đã lai qua nhiều thế hệ), điều này sẽ có sự khác biệt rõ rệt từ năm thứ hai trở đi. Về mặt môi trường cây keo có khả năng hấp thụ rất tốt khí CO2, giúp giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu. Về kinh tế cây Keo được dùng để làm nguyên liệu sản xuất giấy, đồ gỗ, dùng trong xây dựng…

 

Việc trồng thử nghiệm cây năng lượng trên đất khai thác mỏ thành công sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho môi trường sinh thái khu vực sau khi mỏ Núi Pháo hoàn thành khai thác. Theo đánh giá của Viện Kỹ thuật Môi trường và Sinh thái học, Cộng hòa Liên bang Đức: NuiPhao Mining là đơn vị tiên phong và hưởng ứng tích cực trong việc triển khai dự án trồng cây năng lượng trong số các doanh nghiệp khai khoáng được lựa chọn triển khai trương trình thí điểm trồng cây năng lượng bảo vệ môi trường.