Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đang bị xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ

17:00, 31/12/2016

Sản phẩm chè của vùng Tân Cương đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại Quyết định số: 1144/QĐ-SHTT ngày 20-9-2007 của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Sau khi được bảo hộ, CDĐL “Tân Cương” đã góp phần làm tăng sức cạnh của sản phẩm trên thị trường, nâng cao được các giá trị về kinh tế, văn hoá, xã hội của sản phẩm. CDĐL “Tân Cương” đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất chè của vùng chỉ dẫn địa lí đã được bảo hộ.

Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng và phát triển CDĐL “Tân Cương” hiện nay còn nhiều hạn chế. Trên thị trường cả trong và ngoài tỉnh hiện vẫn tồn tại nhiều sản phẩm chè xâm phạm quyền SHTT đối với CDĐL “Tân Cương”. Việc phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT gặp nhiều khó khăn.

 

Cơ sở Ái Xuân chưa được cấp quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương”. Hiện sản phẩm đang được bán tại T.P Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

 

Thực hiện nội dung của Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi quyền SHTT cho sản phẩm Chè mang CDĐL “Tân Cương” của tỉnh Thái Nguyên”, đơn vị chủ trì đã tổ chức khảo sát thị trường và tìm hiểu tình hình kinh doanh sản phẩm chè tại một số địa phương tiêu thụ nhiều sản phẩm chè của tỉnh ta như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang... Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, tại các địa phương này đều có bán sản phẩm chè có xuất sứ từ tỉnh Thái Nguyên với nhiều loại sản phẩm với mẫu mã và tên gọi khác nhau, trong số đó có một số sản phẩm sử dụng nhãn hiệu hàng hóa là “chè Tân Cương”. Tại các cơ sở kinh doanh sản phẩm chè mang nhãn hiệu “Tân Cương”, chúng tôi phát hiện một số cơ sở đã kinh doanh sản phẩm chè xâm phạm quyền SHTT đối với CDĐL “Tân Cương”. Sản phẩm chè  sử dụng nhãn “Tân Cương” trên bao bì sản phẩm nhưng chưa được cấp quyền sử dụng.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sản phẩm chè mang nhãn hiệu “Tân Cương” tại các cơ sở kinh doanh ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang được cung cấp từ 2 nguồn. Một là từ các cơ sở chế biến chè tại Thái Nguyên, trong đó có sản phẩm của một số cơ sở chưa được cấp quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương“ sản xuất. Hai là từ các cơ sở chế biến tại Hà Nội, Hải Dương, Hải phòng mua chè nguyên liệu từ Thái Nguyên về chế biến và gắn nhãn “Tân cương” cho sản phẩm của mình nhưng không được cấp quyền sử dụng CD ĐL “Tân Cương”. Việc các cơ sở kinh doanh sản phẩm xâm phạm quyền SHTT đối với CDĐL “Tân Cương” đã làm ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm đã được bảo hộ.

 

Để thực thi quyền SHTT cho sản phẩm chè mang CDĐL  “Tân Cương”, cơ quan Quản lý bên ngoài CDĐL”Tân Cương” đã có văn bản đề nghị các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp tại các địa phương trên tiến hành xử lý các hành vi vi phạm trên quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích chính đáng cho chính mình, người tiêu dùng cần lựa chọn, cân nhắc và kiểm tra kỹ các sản phẩm trước khi mua. Nên đặt mua ở những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng và đã được cấp quyền sử dụng đối với CDĐL “Tân Cương”.